CHẲNG NHỚ NỔI MỘT TÊN ĐƯỜNG

Thứ sáu - 24/11/2017 08:25
Tôi đi qua những con đường Sa Đéc bằng nỗi nhớ niềm thương, bằng tình cảm ruột rà thương yêu sâu sắc .Tôi chẳng thuộc tên một con đường nào hết, cho đến bây giờ, có ai hỏi, tôi trả lời “chẳng nhớ nổi một tên đường!”
CHẲNG NHỚ NỔI MỘT TÊN ĐƯỜNG
Lâu lắm rồi tôi không về Sa Đéc - quê hương thương yêu gắn liền với thời thơ ấu, nơi đó có ngôi nhà gỗ trong khu vườn nhỏ của má tôi, nơi đó có ngôi trường Sa Đéc tôi đã dạy 10 năm, có khu tập thể ấm êm nằm khuất sâu góc trái ngôi trường, nơi gia đình nhỏ của tôi gồm 5 người tá túc trong căn phòng là nửa lớp học, nơi có bao bè bạn thân yêu thuở mới vào đời, nơi có nhiều kỉ niệm của một thởi gian khó không thể nào quên…!
Những năm bảy mươi mấy, tám mươi mấy đó, bước chân - dép râu của tôi nhẫn nại, miệt mài in dấu trên một số nẻo đường chính của Sa Đéc quê hương, vậy mà nếu có ai hỏi, tôi  “chẳng thể nhớ nổi một tên đường” ! ( lời một bài hát của Phú Quang, nhưng nhạc sĩ thì chẳng nhớ nổi con đường, còn tôi thì nhớ con đường nhưng tên đường thì chẳng nhớ!)
Tôi đã đi dạy, đi chợ, đi công chuyện, đi khám bệnh, đi “tám” nhà bạn bè, đi giao lưu gặp gỡ, thường xuyên là đi bộ, chọn các nẻo đường ngắn, đường tắt để đi, như thói quen và ý thích từ thời thơ bé lên 9,lên 10, đi tắt từ chợ Mỹ An Hưng (Đất Sét) vô nhà bà ngoại ở khỏi Ngã Ba.
Tôi đi từ nhà trọ trong khu Cư xá công chức nằm khuất sau Công ty du lịch Đồng Tháp, vào trường bằng con đường đi ngang chùa Hương, rẽ phải, thẳng tiến đến cầu Đốt, dễ ợt, thuộc nằm lòng, vì thế chẳng cần nhớ tên đường!
Trên đường, tôi đi ngang nhà cô Đính ở trọ, đã từng ghé nhà cô để trao đổi về mấy tác phẩm mới mượn ở Thư viện tỉnh. Tôi đi ngang ngôi trường Vĩnh Phước I quen thân mà mình đã dạy chung với bà bạn Hồng Trần gần 2 niên khóa, từng chia ngọt sẻ bùi và thương quí nhau đến tận bây giờ. Tôi đi ngang nhà thầy Điền cô Thiện, nhà chị Thủy vợ anh Chơn, nhà cô Thọ, cô Kim Quý… tôi đều có dịp lui tới chuyện trò thăm hỏi.
Nếu đi chợ thì tới góc chùa Hương tôi rẽ trái đi tắt xuống dốc cầu Sắt Quay và thả bộ suốt con đường bờ sông thoáng mát. Hôm nào gấp thì đi tới khoảng cầu Cái Sơn 1 thì về, hôm nào rảnh rỗi thì ta bà mãi gần nhà lồng chợ, có khi bận về ghé nhà chị Bảy dạy Sử “tám” mấy câu ( thường là dặn chị vô trường chụp cho mấy tấm hình, hoặc lấy hình chị đã rửa). Vậy mà tôi chưa ghé thăm ngôi nhà cổ gần đó lần nào, sau này thấy báo đăng mới nhớ mình đã từng qua lại và nhìn ngắm nó trong  những lần đi chợ ấy.
Đi khám bệnh thì qua cầu Sắt Quay, qua một cầu nữa cũng chẳng nhớ tên, bệnh viện cũ ngày đó giờ đã bị lở sập xuống sông, cả cây cầu cũng không còn, ngôi nhà xưa của gia đình chị Nguyệt Hà ở vùng này cũng phải dời về gần cầu Mỹ Thuận lâu rồi. Đường này ít đi nên tôi không ấn tượng mấy, cũng không nhớ đi khám bệnh bằng phương tiện gì, hình như xe lôi đạp thì phải?
Về sau, khoảng năm 79- 80, khi tôi đã vào ở Khu tập thể trường Sa Đéc thì má tôi dời nhà từ quê qua, về ở xóm Bún, khỏi cầu Kinh Cụt, khỏi Nhị tỳ Quảng Đông một quãng. Vậy là thỉnh thoảng chiều thứ bảy, chủ nhật, tôi cuốc bộ từ trường, tới góc chùa Hương, rẽ trái, đi ngang chỗ trọ cũ Cư xá công chức - lâu lâu có ghé thăm bạn tri kỷ Hồng Trần - rồi tới cầu Kinh Cụt, rẽ trái, đi ngang nhà Sáu Quý, ngang nhà chị Cẩm Lài, nhà cô Hường … mới tới nhà má tôi. Và cho tới bây giờ, tôi vẫn không biết và không nhớ tên mấy con đường thân thuộc mà tôi vẫn hằng tới lui, qua lại đó. Tôi đo đếm quãng đường đi và ghi nhớ bằng những tên cầu, tên cơ quan, nhà của những người quen, người bạn. Tôi đi, mải miết nhìn ngắm và luôn thấy thú vị, thoải mái trên những “con đường xưa em đi” , trên những “ đường xưa lối cũ”.
Cho đến những năm tám mươi mấy về sau, tôi tậu được con ngựa sắt và tiếp tục cưỡi chiến mã đưa các con đi học trường Mẫu giáo Quang Minh, trường Tiểu học Trưng Vương, loanh quanh vùng vòng xoay cầu Sắt Quay - góc chùa Hương, rẽ qua 2 trường, vòng xuống chợ, về Khu tập thể thân yêu…
Bước chân - dép râu ngày xưa dần được thay bằng những vòng quay đều - quay đều không mệt mỏi, qua những con đường cố định chẳng nhớ tên.
Tôi đi qua những con đường Sa Đéc bằng nỗi nhớ niềm thương, bằng tình cảm ruột rà thương yêu sâu sắc .
Tôi chẳng thuộc tên một con đường nào hết, cho đến bây giờ, có ai hỏi, tôi trả lời “chẳng nhớ nổi một tên đường!”
Nhưng những lối đi nẻo về của một thời dép râu lê bước, một thời “xe đạp ơi quay đều những vòng xe” thì mãi in đậm trong tâm tưởng của tôi - một trong những khách tha hương xa Sa Đéc ít có dịp quay về thăm chốn cũ.
 
                                                                   Tháng 9. 2015
                                                              Nguyễn Thị Hạnh

Tác giả bài viết: Bà Nguyễn Thị Hạnh

Nguồn tin: Theo Hội Cựu Giáo chức TP Sa Đéc::

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê
  • Đang truy cập6
  • Hôm nay1,003
  • Tháng hiện tại21,587
  • Tổng lượt truy cập8,069,095
TIN GIÁO DỤC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây