Sa Đéc chính thức trở thành thành viên Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO theo Giấy chứng nhận do ông DAVID ATCHOARENA-Giám đốc Viện học tập suốt đời của UNESCO ký ngày 21/09/2020. Lễ công bố đã được tổ chức vào lúc 18 giờ 30 phút (giờ Việt Nam) ngày 23/09/2020, tại TP Hamburg (Cộng hòa Liên bang Đức).
I. Bối cảnh, tiền đề để Sa Đéc đăng ký tham gia Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO
1. Sa Đéc là địa phương đất hẹp, người đông và đang trong quá trình đô thị hóa mạnh mẽ. Do đó, người dân thành phố không thể sinh sống hoàn toàn dựa vào sản xuất nông nghiệp truyền thống, làm các ngành nghề lao động thủ công phải sử dụng nhiều sức lực nhưng rất bấp bênh về thu nhập.
Đặc biệt, trong thời kỳ Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với thế giới, khoa học và công nghệ đang phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ thì chỉ có con đường học tập mới thực sự mang đến cho người dân Sa Đéc một cuộc sống ổn định, kinh tế thành phố mới phát triển bền vững trong tương lai.
2. Việc đưa Sa Đéc trở thành thành phố học tập đã được ngành Giáo dục và Đào tạo, Hội Khuyến học và Khoa học Lịch sử đưa vào Nghị quyết Đại hội Hội Khuyến học thành phố nhiệm kỳ 2016-2020, trong đó phấn đấu đến năm 2020 sẽ đạt được danh hiệu thành phố học tập.
Ngoài ra, động cơ giúp Sa Đéc xây dựng thành phố học tập là nhằm thúc đẩy cơ hội học tập từ cơ bản đến đại học một cách bình đẳng cho mọi người; thúc đẩy việc học trong gia đình và trong cộng đồng; tạo điều kiện học cho công việc và tại nơi làm việc; mở rộng việc sử dụng các công nghệ học tập hiện đại; tăng cường chất lượng và tính toàn diện trong học tập; xây dựng văn hóa học tập suốt đời.
3. Nền tảng để xây dựng Sa Đéc trở thành thành phố học tập tựu trung vào các nội dung sau đây:
- Quan tâm, hỗ trợ đầu tư về cơ sở vật chất, nhân sự, chuyên môn nghiệp vụ và kinh phí hoạt động hằng năm cho Trung tâm Văn hóa-Học tập cộng đồng các xã, phường trên địa bàn thành phố.
- Củng cố, duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động của các mô hình đã thực hiện từ nhiều năm qua như: Tổ Dân phòng-Khuyến học/Tổ Dân phố-Khuyến học/Tổ Nhân dân tự quản-Khuyến học, Góc học tập tại gia đình, Gia đình hiếu học/Gia đình học tập, Dòng họ hiếu học/Dòng họ học tập, Đơn vị học tập và Cộng đồng học tập cấp xã.
- Lồng ghép nội dung hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trong hoạt động của các tổ chức chính trị-xã hội, đoàn thể các cấp như: Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Người cao tuổi, Hội Cựu giáo chức...
- Duy trì việc tổ chức các sự kiện tuyên truyền về học tập suốt đời trên các phương tiện thông tin đại chúng như: Tháng Khuyến học, Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời, Gương sáng hiếu học, trao quà, cấp học bổng cho học sinh và sinh viên nghèo hiếu học hằng năm.
- Triển khai việc thực hiện các văn bản hướng dẫn của Sở GDĐT về hoạt động thư viện trường học. Qua đó, từng bước hình thành cho giáo viên và học sinh các trường phổ thông có thói quen đọc sách hằng ngày.
II. Quá trình triển khai, tổ chức thực hiện việc đăng ký tham gia Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO
1. Thành phố Sa Đéc cùng với thành phố Cao Lãnh đã được Sở GDĐT và UBND tỉnh Đồng Tháp chọn đăng ký tham gia Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO theo công văn số 121/UBND-THVX, ngày 25/03/2019 của UBND tỉnh Đồng Tháp và công văn số 404/SGDĐT-GDTrH-CN&TX ngày 26/03/2019 của Sở GDĐT Đồng Tháp.
2. Sau khi có văn bản đăng ký của UBND tỉnh và Sở GDĐT, UBND thành phố Sa Đéc đã ban hành công văn số 664/VPUBND-HC, ngày 04/04/2019 về việc thực hiện Đăng ký tham gia Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO chỉ đạo cho Phòng GDĐT, Hội Khuyến học và Khoa học Lịch sử thành phố tham mưu việc triển khai, tổ chức thực hiện.
Qua đề xuất của Phòng GDĐT cùng Hội Khuyến học và Khoa học Lịch sử, UBND thành phố tiếp tục ban hành công văn số 164/UBND-VX ngày 09/08/2019 về việc Hỗ trợ cung cấp số liệu đăng ký tham gia Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO; đồng thời tổ chức và chủ trì phiên họp vào ngày 12/08/2019 với lãnh đạo các phòng, ban, ngành, tổ chức, đoàn thể thành phố và UBND các xã phường để triển khai việc khảo sát hiện trạng xây dựng thành phố học tập trên địa bàn Sa Đéc, trong đó giao cho Phòng GDĐT là cơ quan tiếp nhận, tổng hợp kết quả khảo sát và gửi báo cáo về UBND thành phố.
Từ ngày 13/08/2019 đến ngày 20/08/2019, các phòng, ban, ngành, tổ chức và đoàn thể thành phố, UBND các xã phường đã tiến hành việc khảo sát, tổng hợp số liệu khảo sát theo bộ tiêu chí xây dựng thành phố học tập và báo cáo về Phòng GDĐT. Trong các ngày từ 21/08/2019 đến 03/09/2019, Phòng GDĐT đã tổng hợp số liệu khảo sát. Đến ngày 05/09/2019 bảng khảo sát hiện trạng xây dựng thành phố học tập đã được Phòng GDĐT trình lên UBND thành phố xem xét.
Căn cứ báo cáo kết quả khảo sát của Phòng GDĐT, UBND thành phố Sa Đéc đã thực hiện đơn đăng ký tham gia Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu (01 bản tiếng Việt và 01 bản tiếng Anh) vào ngày 20/04/2020.
* Các nội dung trong đơn đăng ký do Chuyên viên thuộc bộ phận nghiên cứu của UBND thành phố soạn thảo.
* Phòng GDĐT căn cứ theo các nội dung soạn thảo của UBND thành phố để hoàn thành đơn đăng ký và trình Chủ tịch UBND thành phố ký phê duyệt. Riêng bản đơn bằng tiếng Anh, Chuyên viên Phòng GDĐT dịch từ tiếng Việt sang tiếng Anh, sau đó hoàn chỉnh đơn đăng ký và trình Chủ tịch UBND thành phố ký phê duyệt
Đến ngày 21/04/2020, thành phố Sa Đéc đã gửi toàn bộ hồ sơ đăng ký tham gia Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu gồm: 02 đơn đăng ký tham gia kèm bảng kết quả khảo sát hiện trạng xây dựng TP học tập toàn cầu về Bộ GDĐT, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, Ủy ban quốc gia UNESCO (Bộ Ngoại giao) và Nhóm điều phối hệ thống học tập toàn cầu UNESCO tại UIL.
Sa Đéc chính thức trở thành thành viên Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO theo Giấy chứng nhận do ông DAVID ATCHOARENA-Giám đốc Viện học tập suốt đời của UNESCO ký ngày 21/09/2020. Lễ công bố đã được tổ chức vào lúc 18 giờ 30 phút (giờ Việt Nam) ngày 23/09/2020, tại TP Hamburg (Cộng hòa Liên bang Đức).
III. Ý nghĩa, mục đích của việc xây dựng thành phố học tập
Một “Thành phố học tập” là một thành phố đầu tư vào chất lượng học tập suốt đời cho mọi công dân nhằm:
- Giải phóng tất cả tiềm năng của công dân thành phố đó,
- Đầu tư vào sự phát triển bền vững tại nơi làm việc,
- Khơi dậy và tiếp thêm năng lượng cho các cộng đồng dân cư của thành phố đó,
- Thúc đẩy động lực làm việc của lãnh đạo thành phố,
- Khai thác giá trị sáng tạo của các đối tác cấp địa phương, khu vực và quốc tế,
- Đảm bảo thực thi đầy đủ, có trách nhiệm các nghĩa vụ bảo vệ môi trường của thành phố đó.
IV. Các tiêu chí xây dựng thành phố học tập
1. Bộ tiêu chí xây dựng thành phố học tập theo công văn số 86/BGDĐT-GDTX ngày 08/01/2019 của Bộ GDĐT gồm có 03 tiêu chuẩn.
Tiêu chuẩn 1: Những lợi ích to lớn của việc xây dựng thành phố học tập.
Tiêu chuẩn 2: Các trụ cột chính của một thành phố học tập.
Tiêu chuẩn 3: Cac điều kiện cơ bản cho việc xây dựng thành phố học tập.
(phần này trình chiếu trực tiếp văn bản của Bộ GDĐT).
2. Số liệu về Kết quả khảo sát hiện trạng xây dựng thành phố học tập của thành phố Sa Đéc đều được các chuyên gia đánh giá đạt yêu cầu.
(trình chiếu bảng Kết quả khảo sát hiện trạng xây dựng thành phố học tập).
V. Lợi ích khi tham gia Mạng lưới các thành phố học tập toàn cầu của UNESCO
- Giúp cho người dân thành phố Sa Đéc có điều kiện thuận lợi hơn trong việc trao đổi ý tưởng, tri thức và kinh nghiệm với các thành phố thành viên khác trên toàn thế giới;
- Được tiếp cận với các chuyên gia, nhà nghiên cứu, giáo dục của UNESCO cũng như có cơ hội cập nhật kiến thức và thực tiễn tại các hội thảo, hội nghị học tập toàn cầu của UNESCO.
- Việc phấn đấu đạt danh hiệu "Thành phố học tập toàn cầu UNESCO” sẽ nâng cao uy tin và sự công nhận của cộng đồng quốc tế cũng như gia tăng khả năng thu hút đầu tư, nguồn nhân lực, sự thịnh vượng và phát triển bền vững của chinh thành phố Sa Đéc.
VI. Trách nhiệm khi tham gia Mạng lưới các thành phố học tập toàn cầu của UNESCO
1. Đối với Lãnh đạo thành phố Sa Đéc:
Có trách nhiệm cam kết sự hỗ trợ mạnh mẽ của chính quyền thành phố trong việc thực hiện các tiêu chí thành phố học tập toàn cầu UNESCO.
Huy động nguồn lực từ các bên liên quan để thúc đẩy cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người dân thành phố Sa Đéc.
Chỉ đạo triển khai các nội dung, hoạt động liênquan trong việc thực hiện các tiêu chívề xây dựng thành phố học tập.
Tham dụ các hội nghị quốc tếvề xây dựng Mạng lưới các thành phố học tập toàncầu do UNESCO tổ chức.
2. Đối với UBND các xã, phường, ban ngành, đoàn thể các cấp
- Tham mưu, đóng góp ý kiến cho Lãnh đạo thành phố Sa Đéc, UBND tỉnh Đồng Tháp về việc ban hành các chủ trương, chính sách và phân bổ các nguồn lực phục vụ cho việc triển khai các nội dung, hoạt động liên quan đến việc thực hiện các tiêu chí về xây dựng thành phố học tập toàn cầu.
- Phối hợp với Lãnh đạo thành phố Sa Đéc trong tổ chức các nội dung, hoạt động liên quan đến việc thực hiện các tiêu chí về xây dựng thành phố học tập toàn cầu.
3. Đối với các tổ chức, cá nhân và người dân thành phố Sa Đéc
- Tạo thói quen học tập suốt đời thông qua việc hằng ngày dành một khoảng thời gian nhất định cho việc đọc sách, báo, tạp chí để cập nhật kiến thức.
- Tham gia các nội dung, hoạt động liên quan đến việc thực hiện các tiêu chí về xây dựng thành phố học tập toàn cầu do chính quyền thành phố Sa Đéc tổ chức.
- Hiến kế cho các cấp ủy Đảng và chính quyền, tự nguyện ủng hộ vật lực và tài lực cho việc triển khai tổ chức các nội dung, hoạt động liên quan đến việc thực hiện các tiêu chí về xây dựng thành phố học tập toàn cầu.
VII. Những việc đã và đang tiếp tục thực hiện sau khi Sa Đéc trở thành thành viên Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO
- Đài Truyền thanh thành phố đã phát các tin, bài về việc Sa Đéc trở thành thành viên Mạng lưới các thành phố học tập toàn cầu của UNESCO để cán bộ, công chức, viên chức và người dân thành phố hiểu rõ về ý nghĩa, mục đích của việc xây dựng thành phố học tập; lợi ích, trách nhiệm của các cấp chính quyền và người dân thành phố khi tham gia Mạng lưới các thành phố học tập toàn cầu của UNESCO.
2. UBND thành phố đã ban hành Quyết định thành lập Ban chỉ đạo xây dựng thành phố học tập do Chủ tịch UBND thành phố làm Trưởng Ban, Trưởng phòng Phòng GDĐT làm Phó Trưởng ban Thường trực và các thành viên gồm đại diện lãnh đạo các phòng, ban, ngành, đoàn thể và các Ủy ban nhân dân các xã, phường trên địa bàn thành phố Sa Đéc.
3. Xây dựng Kế hoạch tổng thể và lộ trình xây dựng thành phố học tập giai đoạn 2021-2030, Kế hoạch năm 2021 về xây dựng thành phố học tập cùng các biểu mẫu báo cáo.
4. Tổ chức phiên họp đầu tiên của Ban chỉ đạo thành phố để phân công nhiệm vụ cho các thành viên trong Ban chỉ đạo, triển khai việc báo cáo số liệu về thực hiện các tiêu chí xây dựng thành phố học tập trong năm 2020, Kế hoạch tổng thể và lộ trình xây dựng thành phố học tập giai đoạn 2021-2030 và Kế hoạch năm 2021 về xây dựng thành phố học tập.
5. Chỉ đạo việc bố trí kinh phí ngân sách hằng năm của thành phố Sa Đéc để triển khai các nội dung, hoạt động trong kế hoạch đã đề ra; đồng thời huy động sự
đóng góp của các tổ chức và cá nhân nhằm thực hiện tốt các tiêu chí về xây dựng thành phố học tập.
6. Thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc hoạt động triển khai thực hiện kế hoạch xây dựng thành phố học tập của thành phố. Cuối năm, xây dựng báo cáo đánh giá sự tiến bộ của các tiêu chí, trong đó tập trung vào việc phân tích các tiêu chí còn chưa đạt để từ đó có những giải pháp hữu hiệu nhằm thực hiện có hiệu quả kế hoạch xây dựng thành phố học tập của thành phố Sa Đéc.
Lãnh đạo thành phố Sa Đéc kêu gọi các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị và người dân thành phố đồng thuận, chung tay góp sức cùng cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp trong việc xây dựng Sa Đéc thực sự là thành phố học tập.