Theo sách Gia Định Thành Thông Chí, vào những năm 1802 đến năm 1820, dưới thời vua Gia Long, huyện Vĩnh An có 2 tổng là tổng Vĩnh Trinh và tổng Vĩnh Trung gồm 81 thôn. Thời ấy, tổng Vĩnh Trung có 52 thôn, địa bàn thành phố Sadec hôm nay nằm ở các thôn thuộc tổng Vĩnh Trung ngày xưa: - Vĩnh Phước thôn: nay là phường 1 - Tân Phú Đông thôn: nay là phường 2 và xã Tân Phú Đông. - Tân Quy Đông thôn: nay là phường 3 và phường Tân Quy Đông. - Tân Lâm thôn: (làng Tân Hưng) nay là phường 4. - Tân Đông thôn và Tân Khánh thôn: nay là xã Tân Khánh. - Tân Quy Tây thôn: nay là phường An Hòa và xã Tân Quy Tây. Như vậy thôn Tân Quy Tây đã sớm hình thành trước đời vua Gia Long.
Đến năm 1836, vua Minh Mạng cho kiểm kê địa bạ, trong địa bạ tỉnh An Giang còn ghi rõ, tổng An Trung thuộc huyện Vĩnh An có thôn Tân Quy Tây, lại còn ghi đậm nét “Tân Quy Tây thôn ở xứ Nhất Nương”: Tên xứ Nhất Nương cho ta biết đây là tên gọi một địa phương của một xóm trên vùng đất Sadec có người dân Việt, người Khơ me, người Hoa, lúc ấy họ sống quây quần, đoàn kết, hòa thuận, che chở giúp đỡ lẫn nhau. Một địa danh mang tên xứ Nhất Nương thì có Nhị Nương, từ Nhị Nương sau đọc trại là “Hai Nàng” rồi “Nàng Hai” Phía Bắc giáp thôn Tân Dương.Phía Nam giáp thôn Vĩnh Phước và thôn Tân Phú Đông. Phía Tây giáp 2 thôn: Tân Dương thôn và Tân Thanh thôn. Phía Đông giáp 2 thôn: thôn Vĩnh Phước và thôn Tân Phú Đông. Thôn Tân Quy Tây có 3 con rạch lớn đổ ra sông Sadec - Rạch Nàng Hai một con rạch nối liền 2 bờ thôn Tân Quy Tây và thôn Vĩnh Phước - Rạch Cao Mên: Vì nơi đây là một gò cao ở ven rạch, cách đây gần 4 thế kỷ có một số người Khơ Me ở rải rác nên rạch nầy có tên là rạch Cao Mên - Rạch Ông Hộ: Rạch này ở ấp Tân Lợi, các bậc kỳ lão truyền rằng: Ông Hộ là người đã đến nơi đây khai hoang, lập ấp, cùng bà con đào con rạch nối ra sông Sadec, nên gọi là rạch Ông Hộ để nhớ đến công người khai phá. Vào thời Pháp thuộc tổng An Trung có 6 làng: làng Hòa Khánh, làng Bình Tiên, làng Tân Phú Trung, làng Tân Phú Đông, làng Tân Quy Tây và làng Vĩnh Phước. Đến cuối năm 1931 đầu năm 1932, Tân Quy Tây trở thành 1 hộ của làng Tân Vĩnh Hòa.
Năm 1957, Sadec nhập vào Vĩnh Long, hộ Tân Quy Tây không còn nữa mà thay vào đó là 3 ấp: ấp Tân An, ấp Tân Bình, ấp An Hòa thuộc xã Tân Vĩnh Hòa. Khi Sadec tái lập tỉnh 24/10/1966 , tỉnh Sadec có 4 quận: quận Đức Thành, quận Đức Tôn, quận Đức Thịnh, quận Lấp Vò. Dưới thời chính quyền Saigon 3 ấp Tân An, Tân Bình, Tân Hòa thuộc xã Tân Vĩnh Hòa quận Đức Thịnh.
Dưới chính quyền cách mạng, trong thời kháng chiến chống Pháp,đầu năm 1947 Tân Quy Tây và Vĩnh Phước là 1 làng, đến năm 1949 lập lại xã Tân Quy Tây thuộc quận Sadec.
Sau ngày miền Nam được giải phóng 1975, 3 ấp Tân An , Tân Bình, Tân Hòa thuộc xã Tân Quy Tây, thị xã Sadec, tỉnh Đồng Tháp.
Năm 1985, theo địa giới hành chính cho phù hợp yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội, thị xã Sadec nối 4 phường, 4 xã, do đó ấp Tân Bình giao cho phường 1, ấp Tân Lợi ( Tân Lợi A, Tân Lợi B) của xã Tân Dương huyện Thạnh Hưng nhập về xã Tân Quy Tây.Theo ranh giới bây giờ,phía bắc giáp sông Sadec và xã Tân Quy Đông, phía tây giáp xã Tân Dương huyện Lai Vung, phía đông giáp phường 1, phía nam giáp xã Tân Phú Đông. Tân Quy Tây là 1 xã vùng ven phía tây trung tâm thị xã Sadec, nay là thành phố Sadec, tỉnh Đồng Tháp.
Theo nghị định số 194/2004/NĐCP ngày 30/11/2004 lại 1 lần nữa chia xã Tân Quy Tây để thành lập phường An Hòa và xã Tân Quy Tây lấy rạch Cao Mên làm ranh giới:
• Phường An Hòa, thành phố Sadec hiện có 4 khóm: khóm Tân Bình, khóm Tân An, khóm An Hòa và khóm Tân Thuận. Phía đông giáp phường 1, phường 2 phía tây giáp xã Tân Quy Tây, thành phố Sadec và xã Tân Dương, huyện Lai Vung, phía nam giáp phường 2 và xã Tân Phú Đông,phía bắc giáp sông Sadec và phường Tân Quy Đông. Phường An Hòa có diện tích tự nhiên 653,51 ha gồm 2.996 hộ với 11.785 nhân khẩu.
• Xã Tân Quy Tây, thành phố Sadec là một xã vùng ven nằm phía tây trung tâm thành phố. Phía bắc giáp sông Sadec và phường Tân Quy Đông, phía tây giáp xã Tân Dương, huyện Lai Vung, phía đông giáp phường An Hòa. Xã Tân Quy Tây có diện tích tự nhiên là 541,19 ha, dân số 4.852 người. Thôn Tân Quy Tây ngày xưa, phường An Hòa và xã Tân Quy Tây hôm nay là một trung tâm thương mại, dịch vụ, có khu công nghiệp A1, nhiều cơ sở chế biến gạo xuất khẩu và nơi đây được xem là làng gạo, cơ sở chế biến gạch ngói, một địa thế có nhiều đặc thù rất thuận lợi cho việc phát triển kinh tế. Song song đó, khu vực nằm cạnh bờ sông Sadec, tàu ghe tấp nập, cơ sở hạ tầng ngày một thông thoáng, khang trang thu hút nhiều nhà đầu tư. Khu vực phường An Hòa và xã Tân Quy Tây có nhiều chợ, điều này giúp cho người dân trao đổi hàng hóa ngày một phát triển không ngừng như chợ Nàng Hai ở khóm Tân Hòa, chợ Cầu Đốt ở khóm Tân Bình, chợ Tân An ở đầu cầu Tân An, chợ Ông Hộ ở vàm cầu Ông Hộ, chợ Miếu Bà ở rạch Cao Mên, ngoài ra còn nhiều chợ chòm hỏm. Thôn Tân Quy Tây ngày xưa có một ngôi đình đã ghi công lao to lớn của các vị công thần đời vua Tự Đức sắc phong năm 1852, ngôi đình mang tên “Tân Tây Võ Miếu” hiện tọa lạc tại Cầu Đình vì ngày xưa nơi đây là ấp Tân Bình.
Trên địa bàn thôn Tân Quy Tây có 4 ngôi chùa:
- Chùa Tây Hưng, còn gọi là chùa Trái Bí, ngôi chùa được xây cất từ năm 1875, hiện đang tọa lạc tại khóm Tân Hòa, cạnh cầu Trái Bí, nằm dọc theo rạch Nàng Hai.
- Chùa Linh Nguyên ở khóm Tân Hòa, được xây cất từ năm 1884, chùa còn có biển hiệu là Linh Phước Tự. Dân chúng quanh vùng còn gọi là chùa Bà Điếc vì có bà Võ Thị Điều chủ trì chùa bị khiếm thính.
- Chùa Linh Quang do cư sĩ Nguyễn Văn Bền xây dựng năm 1888 ở khóm Tân An, gần cầu Tân An thuộc phường An Hòa ( còn gọi là chùa Ông Đạo Ba )
- Chùa Bửu Châu Tự trước khia có cái am, nay có con đường đi ngang qua chùa gọi là đường Am ở khóm Tân An ngọn rạch chùa.
- Miếu Bà Ngũ Hành ở cuối rạch Cao Mên được xây dựng từ những năm 1945 thời kháng chiến chống Pháp. Miếu này là nơi tập kết, dừng chân của bộ đội trước kia, tại miếu có 6 ngôi mộ liệt sĩ về sau được đem về nghĩa trang thành phố Sadec.
+ Về giáo dục thôn Tân Quy Tây:
Vào năm 1924, nhà cầm quyền thực dân Pháp cho lập trường dự bị sơ học Pháp Việt, được mở tại ấp Tân Bình, làng Tân Quy Tây. Buổi đầu trường có 2 lớp 30 học sinh theo học. Mặc dù người Pháp và ban hội tế trong làng vận động phụ huynh khá giả cho con em đến trường học chương trình này để về sau ra làm thầy thông,thầy ký hầu phục vụ cho mẫu quốc, nhưng chưa hết 1 năm đầu, lớp học chỉ còn không quá 12 em, trong khi đó, các lớp dạy chữ nho phát triển tốt vì chữ Nho được xem là chữ của thánh hiền, học để biết đạo lý làm người, biết thương dân, thương nước.
Đầu những năm 1969-1970, sau khi Sadec tái lập tỉnh, tại làng Tân Quy Tây, ấp Tân Hòa tại đầu vàm rạch Nàng Hai có một gia đình giàu có hiến đất xây trường học, đó là ông bà Lý Ứng trường được xây cất 4 phòng bán kiên cố, nền lát gạch tàu, xung quanh đóng mắt cáo bằng cây dành cho 3 lớp: lớp năm (lớp một), lớp tư và lớp ba. Trưởng giáo là thầy Huỳnh Hồng Quân. Sau đó, tại ấp Tân An, ngay đầu cầu được dân quanh vùng hiến đất xây dựng 3 phòng cho trẻ học tạm. Trưởng giáo thời bây giờ là ông Lê Văn Hoằng học sinh ở 2 điểm ngày một đông thêm.
Vào năm 1975, nước nhà thống nhất, trường lớp được xây cất thêm, tu sửa rất khang trang,việc đi lại của học sinh rất dễ dàng. Mãi đến năm 1985, vì theo yêu cầu phát triển về mọi mặt của thị xã Sadec ấp Tân Lợi của xã Tân Dương huyện Thạnh Hưng nhập vào xã Tân Quy Tây nên lúc bây giờ các lớp ở vàm rạch Cao Mên thuộc trường cấp 1 Tân Quy Tây.
Từ năm 1975 đến năm 1978, trường cấp 1 Tân Quy Tây hiệu trưởng:bà Lý Kim Hạnh. Đến tháng 2/1978, trường có thêm 1 phó hiệu trưởng: bà Phan Thị Ánh. Từ năm 1979 đến năm 1981, hiệu trưởng trường: ông Nguyễn Lân, phó hiệu trưởng: bà Lý Kim Hạnh, phó hiệu trưởng: bà Phan Thị Ánh.
Đến đầu năm 1982, vì yêu cầu mỗi xã phường phải có 1 trường cấp 1, cấp 2 nên trường cấp 1 Tân Quy Tây nhập với trường cấp 2 Vĩnh Phước 3. Lúc bây giờ, ban giám hiệu gồm: hiệu trưởng: bà Trần Thị Liên, phó hiệu trưởng cấp 2: ông Nguyễn Hữu Công, phó hiệu trưởng cấp 1: bà Phan Thanh Vân, phó hiệu trưởng lao động: bà Phan Thị Ánh. Vào tháng 12/1983: học sinh xã Tân Quy Tây ngày một đông thêm, do đó, trường cấp 1 Tân Quy Tây hiện có 3 điểm là điểm Tân Hòa, điểm Tân An và điểm trường Cao Mên. Ban giám hiệu trường cấp 1 Tân Quy Tây từ năm 1983 đến 01/1986: - Hiệu trưởng: bà Phan Thanh Vân. Phó hiệu trưởng: ông Nguyễn Hữu Hạnh.
Đến đầu năm 1986, trường cấp 2 Tân Quy Tây được xây dựng trên đường 848 ấp Tân Hòa, xã Tân Quy Tây gồm 4 phòng, sau đó lại một lần sát nhập nữa thành trường PTCS cấp 1, 2 Tân Quy Tây. Ban giám hiệu gồm: Hiệu trưởng: Ông Nguyễn Đăng Khương. Phó hiệu trưởng cấp 2: bà Nguyễn Bạch Hoa. Phó hiệu trưởng cấp 1: bà Phan Thanh Vân.
Vào đầu năm 1990 , cấp 1 tách ra khỏi cấp 2 thành 2 trường theo quyết định số 1123/ QĐUBND ngày 12/8/1987: - Trường cấp 1 Tân Quy Tây. Trường PTCS cấp 2 Tân Quy Tây. Đây là 2 trường tiền thân của Trường tiểu học Phạm Hữu Lầu và Trường PTCS Trần Thị Nhượng TP Sadec hôm nay.
1. Trường tiểu học Phạm Hữu Lầu : Đây là 1 ngôi trường có bề dày truyền thống khá lâu đời (trường phổ thông cấp 1 Tân Quy Tây cũ) , trường có 3 điểm ở 3 khóm, ấp, ban giám hiệu: - Hiệu trưởng: Ông Võ Bá Thuận. Phó hiệu trưởng: bà Trần Thị Hiển Từ tháng 01/1991 đến tháng 12/2003: - Hiệu trưởng: bà Trần Thị Hiển. Phó hiệu trưởng: bà Lê Thị Kim Phương. Vào ngày 19/11/1994, tại quyết định số :132/QĐ.LL của UBND tỉnh Đồng Tháp trường đổi tên thành: trường tiểu học Tân Quy Tây. Từ tháng 01/2004 đến năm 2008, ban giám hiệu trường gồm : - Hiệu trưởng: bà Lê Thị Từ Châu. Phó hiệu trưởng: bà Lê Kim Phương. Theo quyết định số 18/QĐUBND thị xã Sadec ngày 12/04/2007 trường đổi tên Trường tiểu học Phạm Hữu Lầu. Đầu năm 2008 trường có thêm phó hiệu trưởng: bà Lê Thị Bích Hà. Từ tháng 12/2008 đến năm 2011 ban giám hiệu trường gồm: - Hiệu trưởng: bà Lê Thị Từ Châu. Phó hiệu trưởng: bà Lê Kim Phương. Từ năm 2012 đến tháng 8/2013: Hiệu trưởng: bà Lê Thị Từ Châu.Phó hiệu trưởng: ông Nguyễn Minh Nhựt Từ tháng 9/2013 đến năm 2016: Hiệu trưởng: bà Lê Thị Từ Châu.Phó Hiệu Trưởng : bà Phan Hồng Loan Từ đầu năm học 2016 đến nay: Hiệu trưởng: ông Huỳnh Ngọc Trai. Phó hiệu trưởng: bà Phan Hồng Loan. Trường tiểu học Phạm Hữu Lầu hiện chỉ có 1 điểm trường tại khóm Tân Hòa, phường An Hòa, thành phố Sadec. Trường đạt chuẩn quốc gia năm 2003 với tổng diện tích 8096,7 m2. Trường được trang bị đầy đủ các phòng chức năng, rất thuận lợi trong dạy và học..
2. Trường PTCS Trần Thị Nhượng: Tháng 09/1989 đến 10/1990, ban giám hiệu trường PTCS cấp 2 Tân Quy Tây: - Hiệu trưởng: bà Nguyễn Thị Cúc. Phó hiệu trưởng: ông Nguyễn Thông Minh. Từ tháng 11/1990 đến tháng 8/1991:Hiệu trưởng: bà Nguyễn Thị Cúc.Phó hiệu trưởng: ông Văn Quốc Cường. Từ tháng 09/1991 đến tháng 12/1996: Hiệu trưởng: ông Đặng Ngọc Thảo. Phó hiệu trưởng: ông Cao Ngọc Thơ. Đến cuối năm trường có 13 phòng lớp học Năm 1996 trường được UBND tỉnh đổi tên thành trường PTCS Trần Thị Nhượng. Từ tháng 01/2000 đến tháng 09/2002 ban giám hiệu: - Hiệu trưởng: ông Cao Ngọc Thơ.Phó hiệu trưởng: bà Trần Thị Hừng. Trường bây giờ có 23 phòng học khang trang, khá đủ các phòng chức năng. Từ tháng 10/2002 đến tháng 8/2005 ban giám hiệu gồm:Hiệu trưởng: bà Trần Thị Hừng. Phó hiệu trưởng: bà Võ Thị Công Phó HiệuTrưởng: ông Lê Minh Thiện Phúc. Từ tháng 9/2005 đến tháng 12/2011:Hiệu trưởng: bà Trần Thị Hừng. Phó hiệu trưởng: ông Nguyễn Hữu Lễ. Phó hiệu trưởng: ông Lê Minh Thiên Phúc. Từ tháng 1/2012 đến nay, ban giám hiệu trường:Hiệu trưởng: bà Cao Kim Hồng.Phó hiệu trưởng: ông Nguyễn Hữu Lễ. Phó hiệu trưởng: ông Phan Công Thái. Trải qua giai đoạn hình thành và phát triển, nhà trường có nhiều hoạt động nổi bậc, trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 năm 2006, cơ sở vật chất khang trang, nhiều học sinh đạt loại giỏi các cấp.
3. Trường Lưu Văn Lang: Theo Luật giáo dục, năm 2004-2005 trường THPT thị xã Sadec đã tách thành 2 trường: trường THPT thị xã Sadec và trường PTCS Lưu Văn Lang Trường PTCS Lưu Văn Lang được thành lập vào tháng 02/2004. Cơ sở vật chất, học sinh, giáo viên được tách ra từ trường THPT thành phố Sadec, trường chưa có cơ sở riêng, còn mượn các phòng học của trường THPT thành phố Sadec. Trong những năm qua, trường được quan tâm đầu tư về mọi mặt của UBND thành phố, phòng giáo dục Sadec, Đảng ủy và UBND phường An Hòa. Năm học 2009-2010 trường chuyển về cơ sở mới được xây dựng ở đường Trần Thị Nhượng, khóm Tân Thuận, phường An Hòa, TP Sadec. Cơ sở khang trang, đủ các phòng chức năng. Chất lượng giáo dục hằng năm được nâng dần, có sự đồng thuận của Hội Cha Mẹ học sinh, tập thể sư phạm nhiều tâm huyết, nhiệt tình giảng dạy, trường nằm ngay trung tâm thành phố nên thu hút nhiều học sinh.Trường đạt chuẩn Quốc gia vào ngày 31/08/2015Ban giám hiệu trường qua các thời kỳ. Từ tháng 2/2004: Hiệu trưởng: ông Trần Minh Đường. Phó hiệu trưởng: ông Lê Quang Thịnh Đầu năm 2005 có thêm 1 phó hiệu trưởng: bà Lê Thị Tuyết Nhung, đến cuối 2005 bà về phòng giáo dục thị xã Sađec Từ năm 2005 đến năm 2011: Hiệu trưởng: ông Trần Minh Đường.Phó hiệu trưởng: bà Phạm Kim Phụng.Tháng 9/2011 có thêm 1 phó hiệu trưởng: ông Lê Minh Thiện Phúc. Vào tháng 8/2012 đến tháng 8/2015: Hiệu trưởng: bà Trần Thị Hừng.Phó hiệu trưởng:bà Phạm Kim Phụng .Phó hiệu trưởng: ông Lê Minh Thiện Phúc. Từ tháng 9/2015 đến nay, ban giám hiệu trường: Hiệu trưởng: ông Văn Đức Trí.Phó hiệu trưởng: bà Phạm Kim Phụng (chuyên môn) Phó hiệu trưởng: ông Lê Minh Thiện Phúc.
4. Trường THPT Nguyễn Du: Trường THPT Nguyễn Du thành lập theo quyết định số 136/QĐ/UBND-TL ngày 11/8/2006 của UBND tỉnh đồng Tháp. Địa điểm tại khóm Tân An, phường An Hòa, thành phố Sadec, tỉnh Đồng Tháp. Năm học 2008-2009 trường THPT Nguyễn Du chính thức tuyển sinh, nhưng năm học này cơ sở vật chất chưa xong nên 12 lớp 10 với 528 học sinh phải học tạm ở trường PTCS Trần Thị Nhượng. Để đáp ứng nhu cầu phát triển giáo dục của địa phương, năm 2009-2010 trường tuyển thêm 16 lớp 10, nâng qui mô phát triển lên 28 lớp với 1057 học sinh. Số cán bộ công nhân viên là 68 người, vẫn phải tiếp tục mượn 10 phòng học của trường PTCS Trần Thị Nhượng và 12 phòng học của trường THPT thị xã Sadec. Năm học 2010-2011 là năm thứ 3 trường đi vào hoạt động phát triển, trường lớp tăng cao với 1049 học sinh 28 lớp, cán bộ công nhân viên là 75, trong đó đứng lớp là 62, đảng viên 19, đoàn viên 38. Cơ sở vẫn chưa xây xong nên còn phải học tạm ở 2 trường bạn. Đến tháng 3/1/2011, tất cả các lớp chuyển về cơ sở mới. Trường đã có đầy đủ các phòng chức năng, đội ngũ thầy cô giáo đủ chuẩn, trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 tháng 8/2016 . Trường THPT Nguyễn Du, ban giám hiệu qua các thời kỳ:Từ năm 2008 đến năm 2012: Hiệu trưởng: ông Võ Minh Hoàng. Phó hiệu trưởng: bà Nguyễn Thúy Hà. Phó hiệu trưởng: ông Lâm Văn Vững Đến năm 2012 năm 2013: Hiệu trưởng: bà Nguyễn Thúy Hà.Phó hiệu trưởng: ông Lâm Văn Vững Từ năm 2013 đến tháng 6/2017: Hiệu trưởng: ông Lâm Văn Vững. Phó hiệu trưởng: bà Phan Thị Bé Sáu. Phó hiệu trưởng: bà Trần Hồng Vân Từ tháng 6/2017 đến nay: Hiệu trưởng: ông Nguyễn Thành Nhân. Phó hiệu trưởng: bà Phan Thị Bé Sáu. Phó hiệu trưởng: bà Trần Hồng Vân.
5. Trường tiểu học Tân Quy Tây: Trường tiểu học Tân Quy Tây nằm ở vùng ven thành phố Sadec, được thành lập vào ngày 30/8/2012 theo quyết định số 73/QĐ-UBNDTL. Trường thuộc địa bàn xã Tân Quy Tây, diện tích 9.700m2, gồm 18 phòng học, dạy 2 buổi/ ngày, có đủ phòng chức năng. Trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 năm 2015. Từ tháng 09/2012 đến tháng 5/2014:Hiệu trưởng: ông Nguyễn Minh Nhựt Từ năm 2014 đến năm 2015:Hiệu trưởng: ông Nguyễn Minh Nhựt.Phó hiệu trưởng:ông Trần Quốc GiàuTừ tháng 10/2016 đến nay: Hiệu trưởng: ông Trần Quốc Giàu. Phó hiệu trưởng: bà Lê Thị Huỳnh Dao. Với tâm huyết của CBCNV cả trường, sự hỗ trợ của hội cha mẹ học sinh, trường hoạt động ngày càng hiệu quả.
Ngành học mầm non : Thôn Tân Quy Tây ngày xưa, phường An Hòa và xã Tân Quy Tây hôm nay ngành học mầm non có 2 trường: Trường mầm non Nắng Hồng: Trường mầm non Nắng Hồng tiền thân là trường mẫu giáo Tân Quy Tây có từ những năm 1981, cơ sở vật chất được ghép với trường tiểu học Tân Quy Tây gồm 1 phòng học có 2 lớp mẫu giáo tại đầu vàm cầu rạch Nàng Hai.Qua những năm sau vì số trẻ ngày một đông thêm nên mở thêm 2 lớp ở điểm trường ấp Tân An, tiếp đến là ấp Tân Bình học sinh học tại văn phòng ấp, rồi điểm Cao Mên, điểm Ông Hộ. Từ năm 1981 đến năm 1985, trường mẫu giáo Tân Quy Tây có 7 lớp nằm rải rác các khóm ấp. Trường mẫu giáo Tân Quy Tây được tách từ trường tiểu học Tân Quy Tây vào ngày 19/09/2002. Đến 26/09/2012, theo quyết định số 225/QĐ-UBND-HCUBND thị xã Sadec, trường được mang tên là Trường mầm non Nắng Hồng. Cơ sở vật chất trường nằm trên tỉnh lộ 852 tại ấp Tân Thành, xã Tân Quy Tây, thành phố Sadec. Trường có tổng diện tích 9.330 m2 gồm 10 phòng học trang bị đầy đủ phòng chức năng khuôn viên trường, sân chơi thoáng mát. Tổng số trẻ hiện nay 299 trẻ gồm 10 nhóm lớp gồm 3 nhóm nhả trẻ và 7 nhóm mẫu giáo, trường được sư quan tâm sâu sát của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, phòng giáo dục thành phố Sadec, đội ngũ giáo viên nhiệt tình, tích cực trong công tác nên trường đạt thành tích cao trongnhiều năm liền. Ban giám hiệu trường qua các thời kỳ từ khi hình thành trường đến nay: - Từ tháng 9/1981 đến tháng 8/1985, hiệu trường là bà Trang Kim Phấn. - Từ tháng 9/1985 đến năm 1989, hiệu trưởng là bà Nguyễn Thị Nở. - Từ tháng 1/1990 đến tháng 8/1998, hiệu trưởng: bà Lê Thị Hạnh, phó hiệu trưởng: bà Nguyễn Thị Xuân Lan. - Từ tháng 9 /1998 đến tháng 8/2007, hiệu trưởng: bà Lê Thị Hạnh. - Từ tháng 9/2007 đến tháng 11/2013, hiệu trưởng: bà Lê Thị Hạnh, phó hiệu trưởng: bà Nguyễn Thị Kim Trang. - Từ tháng 12/2013 đến tháng 5/2016, hiệu trưởng: bà Nguyễn Thị Kim Trang, phó hiệu trưởng: bà Đặng Thị Thùy Linh. - Từ tháng 6/2016 đến nay, hiệu trưởng: bà Nguyễn Thị Kim Trang, phó hiệu trưởng: bà Đặng Thị Thùy Linh, phó hiệu trưởng: bà Thái Bình Minh Trâm.
Trường mầm non Hướng Dương: Trường mầm non Hướng Dương được thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 8 nằm 2010. Trường được dụng xây tại khu dân cư phường An Hòa với tổng diện tích là 2900 m2 gồm 10 phòng học. Trường được trang bị đủ các phòng chức năng, sân chơi thoáng mát, sạch đẹp, đáp ứng đúng yêu cầu dạy và học của ngành học mầm non. Ban giám hiệu của trường qua các năm: - Từ tháng 8/2010 đến tháng 12/2016, hiệu trưởng: bà Lê Thị Thanh. - Từ tháng 2/2016 đến nay, hiệu trưởng: bà Nguyễn Thị Bình Diệu. Ngoài ra trên địa bàn phường còn nhóm trẻ tư nhân như nhóm trẻ Sao Mai,…
Tóm lại, văn hóa giáo dục thôn Tân Quy Tây từ xưa, phường An Hòa, xã Tân Quy Tây hôm nay luôn giữ vững truyền thống lâu đời, hầu vun đắp ngày càng tươi đẹp hơn.
Bà Phạm Thị Đẹt