PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO THÀNH PHỐ SA ĐÉC

https://pgdsadec.edu.vn


Mạng lưới “Thành phố học tập toàn cầu” của UNESCO

Học tập suốt đời không phải là một khái niệm mới. Trong thực tế, nó hiện hữu xuyên suốt quá trình tồn tại của loài người như một phần của tái sản xuất xã hội và ăn sâu bám rễ vào tất cả các nền văn hóa và văn minh.
Thành phố Sa Đéc nhìn từ trên cao

Chúng ta đang sống trong một thế giới mà: xã hội, kinh tế và chính trị phức tạp và không ngừng biến đổi. Để thích ứng với thế giới đó, loài người ngày càng phải nhanh chóng nắm bắt được nhiều tri thức, kĩ năng và thái độ mới trong một phạm vị rộng hơn. Một cá nhân không thể vượt qua được những thách thức trong công việc cũng như cuộc sống nếu anh ta (hoặc cô ta) không trở thành một người học tập suốt đời, và một xã hội sẽ không bền vững nếu nó không trở thành một xã hội học tập. Nghiên cứu thúc đẩy học tập suốt đời đã trở thành một nguyên tắc cơ bản của cải cách giáo dục và phát triển bền vững trong cộng đồng quốc tế.

UNESCO đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển các khái niệm về học tập suốt đời và xã hội học tập. Báo cáo “Học để làm người: Thế giới Giáo dục hôm nay và mai sau” (Faure et al. 1972) của Ủy ban phát triển giáo dục quốc tế (ICDE) gửi UNESCO đã thúc đẩy thảo luận về khái niệm xã hội học tập. Nó kêu gọi các nước thành viên của UNESCO tái thiết lập cấu trúc giáo dục của họ theo 2 tiền đề cơ bản: (1) Tất cả các cơ quan đều trở thành nơi cung cấp giáo dục và (2) tất cả công dân đều tham gia học tập, tận dụng tối đa thuận lợi từ các cơ hội mà “xã hội học tập” mang lại. Trong báo cáo “Học tập: Kho báu nội sinh” gửi UNESCO (Delors et al. 1996), Ủy ban phát triển giáo dục thế kỉ XXI đã tái khẳng định rằng khái niệm học tập suốt đời cần hướng đến một xã hội học tập mà tại đó con người được hưởng rất nhiều cơ hội học tập, không chỉ tại/trong nhà trường mà còn cả trong đời sống kinh tế, xã hội và văn hóa.

Chính phủ các nước nắm vai trò chủ chốt trong việc đặt ra chương trình và tầm nhìn nhằm xây dựng một xã hội học tập. Tuy nhiên, một quốc gia chính là tập hợp của tất cả các khu vực, thành phố và cộng đồng thuộc về quốc gia đó – và chính những khu vực, thành phố, cộng đồng này là nơi triển khai các chương trình của chính phủ. Bởi vậy, xã hội học tập tại mỗi quốc gia chỉ có thể được xây dựng tại từng địa phương, thành phố và cộng đồng.

Thực ra trong những năm gần đây, bên cạnh việc công nhận rộng rãi khái niệm xã hội học tập, UNESCO cũng thông qua một số khái niệm khác mang tính thực tế và ứng dựng. Một ví dụ điển hình cho sự phát triển này là tốc độ lớn mạnh của các “cộng đồng học tập”, các “thành phố học tập” và các “khu vực học tập”. Mặc dù ý tưởng ban đầu về một thành phố học tập chủ yếu áp dụng cho các nước phát triển, được phổ biến bởi Ủy ban phát triển giáo duc quốc tế (OECD) và ủy ban Châu Âu từ những năm 1990, thì giờ đây nó đã nhanh chóng lan tới các nước đang phát triển. Trong thực tế, trong ngày càng nhiều các nước thành viên, chính quyền địa phương đã công bố trở thành thành phố/khu vực/cộng đồng học tập, và sự gia tăng mạnh mẽ này đã nhanh chóng trở thành một hiện tượng toàn cầu đáng chú ý.

Tại sao lại gọi là “thành phố học tập”?

Năm 2008, lần đầu tiên trong lịch sử, hơn một nửa dân số thế giới sống tại các thị trấn và thành phố. Bởi vì dân số của các nước phát triển đã ngừng gia tăng, và dân số tại khu vực nông thôn của những nước đang phát triển cũng gần như giữ nguyên vì tốc độ đô thị hóa nhanh chóng và làn sóng di cư ồ ạt từ nông thôn lên thành thị, nên dân số tăng lên chủ yếu là tại các khu đô thị của những nước đang phát triển. Quỹ dân số liên hợp quốc dự kiến dân số tại các khu đô thị sẽ tăng vọt từ 3,4 tỉ người vào năm 2009 lên gần 5 tỉ người vào năm 2030, với tốc độ phát triển đô thị chủ yếu tại Châu Phi và Châu Á. Vậy nên, việc lường trước nhu cầu học tập của công dân tại các cộng đồng đô thị đang lớn mạnh nhanh chóng ở các nước đang phát triển là một yêu cầu cấp thiết (và là thực tế khách quan!).

Nhìn chung, các thành phố mang đến nhiều điều kiện thuận lợi để giải quyết các vấn đề kinh tế, xã hội và môi trường hơn các khu vực nông thôn. Các thành phố tạo ra công ăn việc làm và nguồn thu nhập. Nếu được quản lý tốt, các thành phố có thể cung cấp dịch vụ giáo dục, chăm sóc y tế và các dịch vụ khác tốt hơn những khu vực dân cư thưa thớt nhờ vào lợi thế quy mô và sự sầm uất. Các thành phố cũng mang đến cơ hội lớn hơn về tính cơ động xã hội và bình đẳng giới. Và sự đông đúc của đời sống đô thị có thể gây áp lực lên môi trường sống tự nhiên và các khu vực hệ sinh thái vốn rất dễ bị tổn thương.

Chương trình định cư con người của Liên Hợp Quốc (UN-HABITAT-2010) chủ yếu hướng tới bối cảnh của các nước đang phát triển, cũng tái khẳng định rằng việc hình thành vốn con người là điều kiện tiên quyết cho phát triển đô thị, và các khu vực đô thị và thành phố có quy mô phù hợp hơn cho tương tác giữa mức độ phát triển và huy động vốn con người. Một thành phố năng động sẽ trỗi dậy mạnh mẽ nhất khi mở rộng và khai thác một cách triệt để tài năng, kinh nghiệm cũng như chuyên môn của người dân. Đối mặt với làn sóng toàn cầu hóa và kỉ nguyên của nền kinh tế tri thức, các thành phố phát triển được một cơ sở hạ tầng kĩ thuật và mạng lưới thông tin hiệu quả, đặc biệt là nguồn nhân lực có chất lượng giáo dục cao sẽ có nhiều tiềm năng trở thành thành phố tiên phong đầy năng động trong môi trường mới. Từ góc độ doanh nghiệp, IBM (2010) đã chỉ ra rằng một hệ thống giáo dục vững mạnh chú trọng vào học tập suốt đời là một yếu tố đặc biệt quan trọng trong nỗ lực của thành phố nhằm thu hút và giữ chân nguồn lao động đa dạng, có tay nghề và giúp nâng cao sức hút cũng như chất lượng cuộc sống của thành phố đó.

Thành phố học tập là gì?

Vào đầu thế kỉ thứ 5 trước công nguyên, Plato đã mơ đến viễn cảnh “Dia Viou Paedia” – tạm dịch là tạo ra một mục tiêu học tập giúp mọi công dân có thể đóng góp cho sự phát triển và đời sống của thành phố. Trong những năm gần đây hơn, sự phát triển của khái niệm thành phố học tập liên quan mật thiết đến khả năng cung cấp cơ sở hạ tầng cần thiết cho việc học tập suốt đời của thành phố đó.

Trong những năm thập niêm 90, chương trình Châu Âu mang tên “Hướng tới một xã hội Châu Âu không ngừng học tập” đã phát triển và sử dụng một định nghĩa về thành phố học tập như sau:

Một thành phố, thị trấn hoặc khu vực được gọi là “học tập” nếu nhận thức và thấu hiểu được vai trò chủ chốt của học tập trong việc phát triển sự thịnh vượng, bền vững của xã hội, thỏa mãn nhu cầu cá nhân và huy động toàn bộ nguồn nhân lực, vật chất và tài chính một cách sáng tạo, thận trọng nhằm phát huy tối ta tiềm năng của tất cả công dân trong phát triển thành phố đó (Longworth, 1999).

Nhưng tất nhiên các định nghĩa không phải lúc nào cũng diễn tả được đầy đủ một khái niệm có phạm vi rộng như thành phố học tập. Nói một cách cụ thể, mỗi thành phố đều có những đặc điểm khác biệt về thành phần văn hóa và sắc tộc, cũng như về di sản và các cấu trúc xã hội. Các thành phố ở Châu Phi, A rập, Châu Á và khu vực Thái Bình Dương, Bắc Mỹ, Châu Mỹ La Tinh và vùng Ca-ri-bê, và Châu Âu sẽ có những quan điểm, văn hóa, tín ngưỡng và sự ưu tiên đối lập nhau, có những dấu hiệu cho thấy sự khác biệt này ngày càng trở nên sâu sắc trong thực tế. Tuy nhiên, có một số khía cạnh về thành phố học tập có thể áp dụng cho tất cả mọi khu vực địa lý và chúng ta có thể xem xét các khía cạnh này trong định nghĩa toàn diện và mới cập nhật dưới đây.

Trong bối cảnh xây dựng Mạng lưới các thành phố học tập toàn cầu của UNESCO, thì:

Một “Thành phố học tập” là một thành phố đầu tư vào chất lượng học tập suốt đời cho mọi công dân nhằm:

- Giải phóng tất cả tiềm năng của công dân thành phố đó,

- Đầu tư vào sự phát triển bền vững tại nơi làm việc,

- Khơi dậy và tiếp thêm năng lượng cho các cộng đồng dân cư của thành phố đó,

- Thúc đẩy động lực làm việc của lãnh đạo thành phố,

- Khai thác giá trị sáng tạo của các đối tác cấp địa phương, khu vực và quốc tế,

- Đảm bảo thực thi đầy đủ, có trách nhiệm các nghĩa vụ bảo vệ môi trường của thành phố đó.

Thực hiện thành công những điều trên sẽ giúp thành phố giải phóng được sức mạnh và khả năng của tất cả các nguồn tài nguyên nhằm tạo ra năng lực cá nhân và sự phồn thịnh về văn hóa, kết nối xã hội và thịnh vượng kinh tế, và phát triển bền vững. Thành phố đó sẽ có khả năng đương đầu với tương lai một cách tự tin và bình thản.

Về Mạng lưới các thành phố học tập toàn cầu của UNESCO

Hơn 1000 thành phố trên thế giới đã trở thành hoặc đang xây dựng thành phố học tập. Rõ ràng, điều này đã chỉ ra rằng việc xây dựng các thành phố mà tại đó học tập được ưu tiên hàng đầu trong các chính sách và chiến lược phát triển đã trở thành một hiện tượng nổi bật trên phạm vi toàn cầu. Các thành phố không thể phát triển biệt lập và kinh nghiệm cho thấy những thành phố là thành viên trong mạng lưới năng động của chính quyền địa phương ở  cấp quốc gia, khu vực hay quốc tế có khả năng đẩy nhanh hơn tốc độ phát triển và năng lực để trở thành các thành phố học tập.

Mặc dù đóng một vai trò quan trọng trong việc phổ biến khái niệm về thành phố học tập, hầu hết các mạng lưới cấp quốc gia, khu vực và quốc tế này vẫn cần các hệ thống chuyên gia hoặc các tổ chức chuyên nghiên cứu tham gia phát triển các công cụ và tài liệu giúp họ quảng bá và mở rộng khái niệm, cũng như tạo lập những kết nối có tính sáng tạo và liên tục giữa các thành phố. Cũng vẫn còn nhiều thành phố chưa ý thức được hết hoặc chưa thực sự chắc chắn về những lợi ích mà một mạng lưới thành phố học tập toàn cầu đích thực có thể mang lại cho việc phát triển học tập suốt đời và xã hội học tập. Chính bởi những lý do trên và nhiều lý do khác nữa, sáng kiến Mạng lưới các thành phố học tập toàn cầu UNESCO ra đời trong thời điểm này là vô cùng cần thiết.

Là trung tâm quan trọng của UNESCO trong quảng bá học tập suốt đời, và để đáp lại lời kêu gọi của các nước thành viên về việc thông qua một phương pháp có tính công cụ và thực dụng hơn để xây dựng một xã hội học tập, Viện học tập suốt đời UNESCO (UIL) đã đề xuất thành lập Mạng lưới các thành phố học tập toàn cầu của UNESCO (UNESCO-GLCN) nhằm đẩy mạnh và đẩy nhanh tiến độ thực hiện học tập suốt đời tại các thành phố trên thế giới.

Mục tiêu tổng quan của việc thành lập UNESCO-GLCN là tạo ra một nền tảng toàn cầu để tập hợp các thành phố và minh họa cho họ thấy cách sử dụng các nguồn lực hiệu quả để phát huy và làm giàu tiềm năng con người nhằm thúc đẩy sự phát triển cá nhân, phát triển bình đẳng và công bằng xã hội, duy trì sự gắn kết xã hội hoà thuận và tạo ra sự thịnh vượng bền vững.

Nói tóm lại, UNESCO-GLCN được kỳ vọng sẽ trở thành một sáng kiến đột phá và hợp thời mang đến các phương tiện giúp các thành phố tự chuyển đổi thành thành phố học tập và tạo lập một tương lai tốt đẹp hơn cho chính bản thân họ, cho công dân của họ cũng như cho hành tinh của chúng ta.

Các thành phố có lợi gì khi tham gia Mạng lưới “UNESCO-GLCN„ ?

Với đề cử từ quốc gia - các nước thành viên UNESCO (do Bộ Giáo dục nước đó chủ trì), các thành phố sẽ được mời trở thành thành viên của UNESCO-GLCN trên cơ sở tự nguyện.

Bởi vì UNESCO-GLCN sẽ là một cơ sở hạ tầng toàn cầu đích thực cho các thành phố học tập, nên thứ nhất, thành viên của UNESCO-GLCN sẽ là những thành phố đầu tiên được hưởng cơ hội trao đổi ý tưởng, kiến thức, kinh nghiệm và thực tế với các thành phố thành viên khác trên toàn thế giới.

Thứ hai, các thành phố thành viên sẽ được tự do tiếp cận với các chuyên gia và kiến thức chuyên môn của UNESCO và các đối tác sáng lập UNESCO trên cộng đồng quốc tế, cũng như có cơ hội cập nhật kiến thức và thực tế tại các hội thảo và hội nghị học tập toàn cầu của UNESCO trên toàn thế giới.

Hơn nữa, các thành phố thành viên cũng sẽ được tự do tiếp cận với các công cụ đo lường và giám sát, các tài liệu học tập cũng như những nguồn khác – điều này cho phép một thành phố không chỉ đạt được mục tiêu xây dựng thành phố học tập, mà còn có thể đóng góp vào sự phát triển bền vững của bản thân thành phố đó cũng như của cả hành tinh, nơi mà chúng ta đang sống.

Bên cạnh đó, các thành phố thành viên còn có cơ hội phấn đấu để dành được Danh hiệu “Thành phố học tập toàn cầu UNESCO”. Danh hiệu này sẽ nâng cao uy tín và sự công nhận của cộng đồng quốc tế cũng như gia tăng khả năng thu hút đầu tư, nguồn nhân lực, sự thịnh vượng và phát triển bền vững của chính thành phố đó.

===========

Ghi chú:

Hiện tại ở Việt Nam có TP. Hải Dương, TP Hồ Chí Minh đã tham gia Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO. Các thành phố khác như Hạ Long, Bắc Ninh, Nam Định, Vinh, Đà Nẵng, Nha Trang, Vũng Tầu, Biên Hòa, Bình Dương, Cần Thơ… Đồng Tháp ( TP Cao Lãnh và TP Sa Đéc ) cũng đang được đề nghị xem xét, chuẩn bị các điều kiện để đăng ký ra nhập Mạng lưới này.
 

Đính kèm tài liệu

Tác giả bài viết: Hồng Sơn - Liên Anh

Nguồn tin: Vụ GDTX thuộc Bộ Giáo dục

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây