Tốc độ tăng trưởng này được thúc đẩy bởi cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang diễn ra trên quy mô toàn cầu, giúp thay đổi nhanh chóng thực tiễn sản xuất – kinh doanh tại mọi lĩnh vực.
Không riêng IoT, dưới đây là 5 ngành nghề sẽ tỏa sáng trong thời đại của cuộc cách mạng 4.0. Mọi doanh nghiệp cần phải chú trọng tới xu hướng này, bởi cuộc cách mạng không còn ở thì tương lai, mà đang xảy ra trong hiện tại.
Dữ liệu/Phân tích dữ liệu
Dữ liệu lớn (Big Data) được mô tả là thông tin với khối lượng lớn, tốc độ cao, dữ liệu đa dạng, đòi hỏi phải có công nghệ mới để xử lý nhằm đưa ra các quyết định hiệu quả, khám phá các yếu tố ẩn sâu trong dữ liệu và từ đó tối ưu hóa quá trình xử lý dữ liệu.
Thuật ngữ Big Data không chỉ đề cập tới dữ liệu mà còn chỉ cơ cấu tổ chức dữ liệu, các công cụ và công nghệ liên quan.
Kể từ nay cho tới năm 2020, nguồn chính tạo nên dữ liệu không còn là con người mà là bởi máy móc, khi chúng liên kết với nhau tạo thành một mạng lưới dữ liệu. Theo khảo sát của Honeywell, 68% nhà sản xuất tham gia khảo sát tin chắc, những thông tin có được từ việc phân tích dữ liệu, cũng như sự phát triển của IoT sẽ giúp thúc đẩy hoạt động sản xuất, cải thiện tình hình kinh doanh của công ty. Việc đa phần các nhà sản xuất nhận thức được tầm quan trọng của dữ liệu lớn và phân tích dữ liệu đã cho thấy tiềm năng phát triển rộng mở của ngành này.
Bảo trì dự đoán
Bảo trì dự đoán (Predictive Maintenance) là hoạt động dự báo trước khi thiết bị có thể xảy ra sự cố, hoặc ngăn chặn việc hỏng hóc của máy móc, thiết bị. Với việc bảo trì dự đoán, các nhà sản xuất có thể tiết kiệm được chi phí, nhân lực, đồng thời thúc đẩy hoạt động sản xuất một cách trơn tru, hiệu quả.
Theo nghiên cứu của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), khi việc sửa chữa và bảo trì được lên kế hoạch, doanh nghiệp có thể tiết kiệm 12% chi phí dành cho hoạt động này. Trong khi đó, nếu không có kế hoạch, các công ty phải chịu thiệt hại thêm khoảng 30%.
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra, với việc ứng dụng công nghệ cao vào mọi hoạt động sản xuất – kinh doanh, với hệ thống trang thiết bị ngày càng đồ sộ, đa dạng, ngành bảo trì dự đoán có cơ hội để tăng trưởng mạnh hơn nữa trong thời gian tới.
Thực tế tăng cường
Được phát triển từ Thực tế ảo (Virtual Reality), Thực tế tăng cường (Augmented Reality - AR) được hiểu là công nghệ cho phép con người quan sát những vật thể trong thế giới thật thông qua một thiết bị điện tử. Khi đó, ngoài những gì nhìn thấy, thiết bị điện tử còn cho ta biết những thông tin khác liên quan đến vật đang được quan sát.
Thực tế, AR có thể đem đến những trải nghiệm người dùng rất độc đáo, chưa từng có tiền lệ, đồng thời mang lại lợi ích cho nhiều lĩnh vực khác nhau như giải trí, marketing, in ấn, bản đồ, la bàn, hàng tiêu dùng… Do có mối liên hệ chặt chẽ với cuộc cách mạng 4.0, AR có cơ hội phát triển rộng mở trong thời gian tới.
Digital Twin là công nghệ cho phép sao chép các sự vật một cách chính xác, từ hình dạng, vị trí, tình trạng, chuyển động… thông qua bộ phận cảm biến hiện đại. Một trong những ứng dụng hữu hiệu của Digital Twin là giúp doanh nghiệp lập kế hoạch sử dụng thiết bị, vận hành máy móc, dự báo thời điểm phải sửa chữa, thay mới nhằm nâng cao năng suất lao động và hỗ trợ phát triển sản phẩm.
Hiện tại, không ít doanh nghiệp trên toàn cầu đã sử dụng Digital Twin vào hoạt động thường ngày. Chẳng hạn, General Electric đã phát triển công nghệ Digital Twin cho các khách hàng thuộc lĩnh vực hàng không. Nhờ công nghệ này, họ có thể tạo ra một bản sao hoàn hảo, chính xác của động cơ máy bay. Bản sao này sẽ trải qua quá trình thiết kế, vận hành và đi trọn vòng đời của sản phẩm. Bằng việc quan sát, phân tích bản sao kỹ thuật số, General Electric có thể giúp các công ty hàng không sử dụng hiệu quả hơn máy móc, thiết bị, đồng thời tiết giảm rất nhiều chi phí.
An ninh mạng
Sự phát triển của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đồng nghĩa với việc các cuộc tấn công mạng có thể tạo tác động rất lớn, trên quy mô toàn cầu. Để đảm bảo an toàn hoạt động, mỗi doanh nghiệp đều cần lựa chọn đúng nhà cung cấp dịch vụ an ninh mạng, bao gồm cả việc bảo vệ và tổng hợp các thông tin của tổ chức.
Đông Nam Á sớm nhập cuộc
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang lan rộng trên toàn cầu, Đông Nam Á, khu vực năng động bậc nhất trên toàn cầu, được dự báo nhiều khả năng sẽ “nhảy cóc” so với các khu vực đang phát triển khác như Trung Đông và châu Phi.
Chẳng hạn, hiện tại, Singapore đã đánh dấu tên tuổi trên bản đồ toàn cầu nhờ việc thiết lập các trung tâm công nghệ trên toàn quốc, chưa kể kế hoạch về đô thị thông minh, dự án khử muối công nghệ cao và các chương trình sáng tạo khác. Trong khi đó, Malaysia đang ghi dấu ấn trong nền kinh tế chia sẻ với việc xây dựng nền tảng “Grab” không chỉ ở lĩnh vực giao thông, mà trong cả dịch vụ thanh toán. Indonesia đang thành công với dự án Lò phản ứng khí gas nhiệt độ cao (HTGR) tại Bali, biến công nghệ sạch trong lĩnh vực năng lượng trở thành mẫu hình kinh doanh mới.
Thực tế, cuộc cách mạng 4.0 cho phép Đông Nam Á vượt qua những trở ngại về cấu trúc dân số, mô hình kinh doanh hiện tại để nhảy vọt lên trình độ sử dụng năng lượng và sản xuất sản phẩm giá trị cao hơn. Nếu ứng dụng công nghệ một cách bài bản, có chiến lược rõ ràng, những thay đổi mà cuộc cách mạng 4.0 mang lại có thể giúp cải thiện thu nhập, chất lượng cuộc sống.
Các nền kinh tế Đông Nam Á được dự báo sẽ tăng trưởng ít nhất 5%/năm từ nay cho tới năm 2020, cao hơn so với tốc độ tăng trưởng trung bình toàn cầu là 3,5%/năm. Số lượng cư dân thành thị tại khu vực này cũng gia tăng nhanh chóng với tốc độ thường niên 2,5%, trong khi dân số có thu nhập trung bình được dự báo sẽ tăng từ 70 triệu người lên 194 triệu người cho tới năm 2020.
Với xu hướng nhân khẩu học như vậy, cùng sự bắt sóng, kết nối nhanh nhạy với công nghệ, cuộc cách mạng 4.0 tại Đông Nam Á hứa hẹn sẽ mang tới thành công tại nhiều lĩnh vực.
Tác giả bài viết: Lam Phong
Nguồn tin: Theo báo chí nước ngoài
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn