PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO THÀNH PHỐ SA ĐÉC

https://pgdsadec.edu.vn


GIÁO DỤC SA ĐÉC LẮNG NGHE VÀ BƯỚC TỚI!

Một năm học mới lại đến, ngành giáo dục lại bước vào chặng đường mới, những bước tiến mới trong công cuộc trồng người.
GIÁO DỤC SA ĐÉC LẮNG NGHE VÀ BƯỚC TỚI!
        Cùng truyền thuyết Mẹ Âu Cơ, cội nguồn dân tộc Việt, cùng sinh ra, cùng sát cánh bên nhau trên dải đất hình chữ S ven bờ Thái Bình Dương ngập tràn nắng gió trải dài mấy ngàn năm lich sử.
         Có phải vì thế mà hình bóng quê hương luôn in sâu vào tâm khảm mỗi người con nước Việt. Dù ở nơi đâu họ cũng hướng về quê hương, sẵn sàng giúp ích cho đất nước.
Nhà nước đã và đang có những chính sách thích hợp đầu tư cho giáo dục. Dù đất nước còn nghèo, còn khó khăn nhưng thiết nghĩ chúng ta phải cố gắng mở đường cho sự nghiệp giáo dục phát triển, thu hút người tài về xây dựng đất nước.
         Dẫu biết “chảy máu chất xám” đang là vấn nạn của xã hội nhưng chúng ta có thể giải quyết được. Vẫn biết giáo dục không chỉ có trách nhiệm đem lại kiến thức, hiểu biết trong các lĩnh vực khoa học và đời sống cho con người, mà quan trọng hơn giáo dục còn dạy cho ta cách làm người, cách đối nhân xử thế. Tôi yêu ngành giáo dục. Yêu nghề dạy học như một cái duyên hay đúng hơn là số phận “bạc bẽo” suốt một đời chèo chống!
         Sa Đéc đang từng bước lắng nghe, lắng nghe Đảng, lắng nghe Nhà nước ta đã xác định “giáo dục là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển”. Và như thế giáo dục trở thành mối quan tâm hàng đầu của toàn xã hội, bởi lẽ kỉ cương, nề nếp chất lượng giáo dục ngày càng được nâng cao. Tôi tin rằng ở mỗi giai đoạn lịch sử, mỗi thời đại và mỗi quốc gia, đều có những quyết sách về giáo dục, phù hợp với điều kiện hoàn cảnh và nhu cầu xã hội.
        Giáo dục luôn đóng vai trò quan trọng, nhà trường là nơi giáo dục đào tạo ra thế hệ trẻ, tạo nền tảng vững chắc cho tương lai, sống có lí tưởng, hoài bão, có văn hóa, giản dị phù hợp với bản sắc dân tộc, thời đại.
         Và vấn đề này càng đặc biệt có ý nghĩa hơn khi hiện nay Đảng, Nhà nước ta đang phát động cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được mọi tầng lớp nhân dân hưởng ứng nhiệt liệt.
         Nhìn ra, con đường hội nhập ngày càng rộng mở với nhiều thách thức và cũng nhiều cơ hội. Nhìn vào, con đường đổi mới ngày cũng từng bước đi lên cùng lúc đặt ra nhiều vấn đề phải giải quyết, phải vượt qua.
            Bước tới- Sa Đéc vẫn cháy bỏng một niềm tin- một khát vọng cùng chung tay xây dựng đất nước giàu mạnh, xây dựng bước đi lên vững chắc của giáo dục để cùng tự tin với sức mạnh dân tộc, đối mặt với thách thức, đón bắt cơ hội. Chấn hưng giáo dục là tiền đề là yêu cầu bức thiết để phát triển nhanh, bền vững.
            Bốn mươi năm! Kể từ ngày Giải phóng đất  nước đến nay, trải qua nhiều chặng đường khó khăn gian khổ, với sự cố gắng đồng lòng của biết bao thế hệ lãnh đạo, cán bộ, giáo viên ở các trường cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Bộ Giáo Dục và Đào tạo, đã đạt nhiều thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ đào tạo đội ngũ và trong các phong trào thi đua yêu nước, luôn giữ trọn niềm tin của Đảng bộ và  nhân dân về một Sa Đéc có nhiều cơ sở giáo dục- đào tạo chất lượng cao, vươn lên trở thành ngành giáo dục tiên tiến xứng tầm vị trí cấp Thành phố.
            Ngành giáo dục luôn quan tâm đi đầu trong đổi mới chương trình, nội dung phương pháp đào tạo. Tiếp tục nâng cao chất lượng giảng dạy cho các trường, qua các cuộc thi tuyển Olympic Tiếng Anh, Toán, Vật lý, bồi dưỡng học sinh giỏi ở các môn đạt giải cấp tỉnh, cấp quốc gia với nhiều thành tích đáng kể.
           Những cuộc thi Gíao viên dạy giỏi,  viết sáng kiến kinh nghiệm cũng góp phần nâng cao, khích lệ niềm tự hào chính đáng của nghề dạy học. Với những thành tích xuất sắc đạt được, ngành giáo dục tỉnh Đồng Tháp vinh dự nhận Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bằng khen của Ban Chấp hành Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cũng như nhiều bằng khen khác...
Thực hiện tính công bằng trong giáo dục, để chất lượng giáo dục ngày càng phát triển hơn, nhằm thúc đẩy tiến bộ xã hội. Giáo dục cần có đổi mới sáng tạo, mới trở thành nguồn động lực tin yêu của bao người. Việc làm này giống như chăm sóc một vườn cây, muốn vườn cây tươi tốt cần phải loại bỏ những loài sâu bệnh.
            Cuộc sống luôn có những vòng xoáy, con người chỉ cần bất cẩn lơ là mất cảnh giác là có thể bị cuốn ngay vào đó. Nhiều người đã khẳng định “ thương trường như chiến trường” nên họ chẳng ngần ngại dùng những thủ đoạn (xấu) để đạt được mục đích của mình. Dường như họ nghĩ “Phải biết ác, biết tàn nhẫn để sống cho mạnh mẽ”(?!) Nhưng gieo gió ắt là gặt bão.
Vâng! cuộc sống luôn có tính hai mặt của nó.
          Nhìn lại chặng đường 40 năm. Bên cạnh những mặt được, mặt sáng của ngành giáo dục, vẫn còn những góc khuất. Gần một nửa thế kỷ trôi qua, giáo dục cũng sang trang. Chúng ta quá coi trọng những bản báo cáo thành tích, những con số 100% đầy ma lực, những bằng khen, những lời tuyên dương. Vâng! Thừa nhận thành tích là ghi nhận những cố gắng nỗ lực trong giáo dục. Nhưng nếu không phải là thành tích mà là “bệnh thành tích” đã trở thành một vấn đề nhức nhối trong xã hội qua những báo cáo sai sự thật, tuyên dương sai người, sai đơn vị. Và hậu quả của nó thật khôn lường, sự thật đã có hàng trăm học sinh ngồi nhầm lớp, nhầm trường, đã có hàng chục giáo viên được ghi nhận là “Giáo viên dạy giỏi” (GVDG) nhưng không nhận được sự tin tưởng ở học sinh. Vẫn chưa im lặng sự kiện một trường Trung học phổ thông ở Hà Tây có những sai trái trong kì thi tốt nghiệp khiến một giáo viên trong trường vì quá bức xúc mà cất lên tiếng nói. Cũng chưa im lặng việc một trường Trung học cơ sở ở Hà Nội bị phát hiện có sự sửa điểm cho học sinh. Bao nhiêu tiêu cực là bấy nhiêu nỗi đau cho nền giáo dục nước nhà.
            Cái cần được coi trọng là kiến thức và khả năng thực sự, trong khi cái mà chúng ta quá chú tâm chỉ là thứ “thành tích ảo”, thành tích không thật mà là thứ thành tích “biến tướng!”. Và chúng ta cứ lôi mãi 4.000 năm văn hiến ra để tự hào với nhau. Trong các buổi gặp mặt ngoại giao, có ai dám nói thẳng thừng rằng đã đến lúc nhìn thẳng vào sự thật, rằng bây giờ không phải lúc, không còn là lúc để ôm mãi những chiến thắng của quá khứ. Ghi nhớ, am hiểu lịch sử là điều quan trọng, nhưng quan trọng hơn là làm sao để có trình độ nhận thức văn hóa thật sự, để thích ứng, thích nghi, bắt kịp với thời đại và sự phát triển của thế giới.
Là người con của quê hương Sa Đéc, tôi không khỏi chạnh lòng. Tôi mong sao những hiện tượng tiêu cực sẽ không còn xảy ra, bởi những kỹ sư tâm hồn luôn cung cấp những kiến thức cao quý cho học sinh. Mỗi người cần nâng cao ý thức tìm hiểu và chấp hành tốt “Mỗi thầy giáo cô giáo là một tấm gương sáng cho học sinh noi theo”.
Mong các cấp, các ngành cần sát sao quan tâm nhiều hơn, nghiêm túc hơn trong cuộc vận động chống “bệnh thành tích, tiêu cực trong thi cử”. Ngành giáo dục cần có nhiều biện pháp đồng bộ, toàn diện hơn. Đặc biệt là ý thức tích cực của tất cả mọi người trong vấn đề cải cách giáo dục đã và đang thực hiện.
       Mặc cho những khó khăn, mặc cho những thử thách, nhưng Giáo dục Sa Đéc vẫn vững tiến. Bốn mươi năm xây dựng và trưởng thành luôn giữ vững và nâng cao chất lượng đào tạo, đảm bảo những yêu cầu ngày càng cao về trình độ chuyên môn nghề nghiệp, có được đội ngũ cán bộ giáo viên đáp ứng đạt chất lượng cao, có sự lựa chọn đúng đắn trong suy nghĩ và hành động, tự giáo dục học tập suốt đời trong thời hội nhập, đem trí thức khát khao mong được góp phần vào sự phát triển giáo dục chung, cho xã hội ngày một tốt đẹp hơn.
      Một năm học mới lại đến, ngành giáo dục lại bước vào chặng đường mới, những bước tiến mới trong công cuộc trồng người. Những nhà lãnh đạo giáo dục luôn tâm niệm và mong đợi “mùa gặt”, luôn mong những thành quả thật sự tốt đẹp cho nền giáo dục địa phương và nước nhà !
Mong rằng những ý kiến thô thiển, nhưng tâm huyết với nghề được chia sẻ!
 
                                                              Lê Thị Cả 

Tác giả bài viết: Bà Lê Thị Cả

Nguồn tin: Theo Hội Cựu Giáo chức TP Sa Đéc::

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây