PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO THÀNH PHỐ SA ĐÉC

https://pgdsadec.edu.vn


SA ĐÉC, ĐẤT& NGƯỜI QUA NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG GIÁO DỤC …Đến 1945…

Lịch sử giáo dục thành phố Sa Đéc
SA ĐÉC, ĐẤT& NGƯỜI  QUA NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG GIÁO DỤC …Đến 1945…
“Lịch sử giáo dục Nam Bộ có thể chia làm ba giai đoạn chính: Thời kỳ khai phá, chúa Nguyễn, Nhà Nguyễn; thời kỳ Pháp rồi Mỹ xâm lược, kháng chiến của nhân dân ta kết thúc vào năm 1975;  và từ 1975 trở về sau.
Trong ba thời kỳ ấy, thời kỳ đầu tuy dài nhất (cả trăm năm trước Nguyễn Hữu Cảnh kinh lý và 150 năm sau, kể từ 1698 đến 1858) lại để lại dấu ấn không sâu, xét về chế độ giáo dục. Cái mà thời kỳ đầu để lại dấu ấn sâu thuộc nội dung khác: Truyền thống của giáo dục dân tộc từ xa xưa được lưu dân gìn giữ và sau này được bổ sung do sự thống nhất quốc gia.
Thời kỳ thứ hai từ 1858 đến 1975, dài 117 năm, trong này ba tính chất đan xen: giáo dục thực dân Pháp, giáo dục thực dân Mỹ và giáo dục dân tộc do cách mạng thực hiện…” ([1])
Dựa vào sự phân kỳ và nhận định trên, thử tìm hiểu giáo dục Sa Đéc qua những chặng đường cho đến trước, sau năm 1945 .
I-Giáo dục Sa Đéc từ thời mở đất đến khi thực dân Pháp chiếm trọn Nam Kỳ.
Lấy mốc năm 1757 là năm vùng Tầm Phong Long-Đông Khẩu đạo chính thức thuộc chủ quyền của Nhà nước Việt Nam, thời chúa Nguyễn.
Bấy giờ Sa Đéc đã là một trong những tụ điểm dân cư quan trọng của miền Tây Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long. Không phải đợi đến năm 1757, mà trước đó khá lâu, người Việt- những đợt lưu dân từ Trung, Bắc đã đến Sa Đéc, sau đó các đợt người Hoa cũng đến và cùng với người Khơ me tại chỗ họp thành một quần thể cư dân, cùng nhau khai phá, từng bước ổn định cuộc sống, hình thành một Sa Đéc là nơi “phồn hoa đô hội” như Trịnh Hoài Đức đã mô tả trong Gia Định thành thông chí từ trước năm 1820 ([2]).
Trong bối cảnh vùng đất mới, lại là nơi tranh chấp giữa hai lực lượng Tây Sơn- Nguyễn Ánh (1777-1789), thời gian có cuộc sống thật sự ổn định không phải là nhiều, việc học phải ưu tiên chú trọng vào những gì thiết thực cho cuộc sống.
Người Việt vốn có truyền thống hiếu học; cha mẹ dù có biết chữ nho hay không đều muốn cho con mình được học năm ba chữ Thánh hiền, có chút ít “chữ nghĩa” để biết đạo lý làm người.
Cha mẹ, ông bà, những người có hiểu biết, có kiến thức, có tay nghề đều có thể trở thành người thầy. Họ dạy cho con cháu những chuẩn mực đạo đức trong gia đình, các mối quan hệ xã hội, những kinh nghiệm trong cuộc sống và cả kiến thức nghề nghiệp, những kỹ năng trong lao động sản xuất mà họ có được.
Khi ổn định cuộc sống, hình thành các thôn, làng. Những lớp học “dân lập” được các ông thầy nho mở ra để dạy một ít chữ cho trẻ con trong xóm, chủ yếu là để đọc được bài vị trên bàn thờ ông bà, các câu liễn đối trong đình chùa, khá hơn thì có thể viết văn tự mua bán, tờ đơn xin miễn sưu thuế… Học phí là tùy theo các bậc cha mẹ đóng góp, có khi chỉ mang đến củi, gạo đủ nuôi sống nhà thầy. Số ít gia đình khá giả rước thầy nho về nhà để dạy riêng cho con cháu mình.
Cần nói thêm trong những lớp lưu dân có cả nhà sư, thầy thuốc, thầy dạy võ. Nghề thầy thuốc và thầy dạy võ được qúy trọng, nhiều người theo học thuốc để trị bệnh “cứu nhơn độ thế”, hoặc học nghề võ để tự vệ khi cần. Những thầy võ mở lớp thu hút nhiều thanh niên, tạo thành những “lò võ” trong vùng. Những nhà sư cũng dạy chữ nho cho một số tín đồ của mình để có thể đọc được kinh Phật.
Tóm lại: Sự học thì dù ở đâu, thời nào cũng có. Trong những đoàn lưu dân đi mở  đất phương Nam, dù ít nhưng vẫn có những người có chút ít nho học đi cùng. Họ trở thành những thầy giáo đầu tiên của thôn xóm với nhiều tên gọi: Thầy nho, thầy Huế, có người chuyên làm “gia sư”, tức làm nghề “dạy học dạo” cho các gia đình đã ổn định về mặt kinh tế, giàu có sẵn sàng rước thầy học về nuôi trong nhà, dạy cho đám con cháu biết năm ba “chữ thánh hiền” (chữ nho) để giữ đạo làm người. Khá hơn một chút là biết viết “văn tự”, đọc được bài vị trên bàn thờ tổ tiên. Rõ ràng sự học ở đây không phải là để thi cử, lấy bằng cấp đi làm quan.
***
Dấu tích nho học ở đồng bằng sông Cửu Long ngoài việc căn cứ vào hai nơi có Văn Thánh Miếu (thờ Khổng Tử) ở Long Hồ-Vĩnh Long và Mỹ Trà- Cao Lãnh, còn lại ở từng địa phương không thật rõ nét.
Thôn Tân Qui Đông (làng Tân Qui Đông-Sa Đéc) có con rạch nhỏ lấy nước từ sông Sa Đéc, con rạch này có tên gọi rạch Nhiêu Xướng. Tìm hiểu nguồn gốc địa danh là góp phần hiểu biết về lịch sử của một địa phương. Căn cứ theo tên gọi: Nhiêu ở đây là “Nhiêu học”, chưa phải một quan chức, nhưng trong chính sách học chính của nhà Nguyễn, có một chế độ ưu đãi những học sinh, khoá sinh, tuyển sinh đỗ kỳ sơ tuyển ở từng tỉnh, được miễn mọi phu đài, tạp dịch để tập trung việc học chuẩn bị cho năm tới vào thi Hương ([3]). Thời ấy tại con rạch nhỏ có nhà của ông Nhiêu học tên Xướng, nên dân gian đặt tên cho rạch ấy là rạch Nhiêu Xướng. Cũng tương tự, có rạch Bà Đô, vì nơi vàm rạch ấy có dinh thự của Bà Đô uý…
Nho giáo và nho học đã theo chân các lưu dân người Việt trên bước đường Nam tiến. Nhưng “Nho giáo ở Nam Bộ tồn tại trên cơ sở nền sản xuất vật chất sớm mang yếu tố hàng hoá ở địa phương và trong bối cảnh hoạt động ngoại thương đang khởi sắc ở Đông Nam Á nên có một không gian xã hội và phương thức phát triển khác hơn”. Và “Nhân vật trung tâm của Nho giáo ở Nam Bộ nửa đầu thế kỷ XIX…là tầng lớp nho sĩ bình dân mà đời sống tinh thần nhìn chung vẫn còn rất gần gũi với nhân dân lao động…”([4])
Sa Đéc, nơi hội tụ người Việt, người Hoa…với sinh hoạt của một trung tâm giao lưu thương mại khá phát triển ở khu vực miền Tây Nam Bộ. Nho học ở đây cũng mang những nét khá tiêu biểu của thời kỳ chuyển tiếp từ Nho học sang Tây học.
Khái quát về “Kẻ sĩ Gia Định”, nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng nhận xét:
“Trên toàn bộ đất nước, vào thời điểm đầu thế kỷ XVIII đến giữa thế kỷ XIX, không đâu ít người khoa bảng bằng Gia Định và Nam Bộ nói chung, cái cơ sở mà dựa vào nó người ta nói đến kẻ sĩ. “Sĩ” theo nghĩa “học trò” thì thời nào cũng có, song kẻ sĩ, sĩ phu lại bắt nguồn từ một độ sâu nhứt định của nền Nho học, của chế độ quan viên triều đình- rất mỏng ở Nam Bộ.
Dễ hiểu thôi, những người lưu tán, hoặc trên đôi chân men Trường Sơn, hoặc bồng bềnh sóng nước ven biển đến các cửa Cần Giờ, Rạch Gốc, Cửa Đại, Trần Đề…cách nay 400 năm- có thể còn lâu hơn- tìm miền “đất hứa” không chủ yếu thuộc lớp nhà nho, càng ít quan viên, ngay các đợt bổ sung chính thức của vua chúa Nguyễn sau này cũng gồm các lớp người cơ cực nơi quê cũ. Và khi thực dân Pháp mộ phu đồn điền cao su Đông Nam Bộ, đồn điền trồng lúa Đồng Tháp Mười và Tây sông Hậu…cái qui luật này lập lại….”([5]).
***
Sau khi Gia Long thống nhất giang san một mối (1802) ; bộ máy chính quyền nhà Nguyễn mới dần chú trọng đến sự học của nhân dân.
 Như đã biết, trấn Vĩnh Thanh (có vùng Sa Đéc) là vùng đất từng được Nguyễn Ánh huy động sức người, sức của trong buổi đầu thống nhất đất nước, lập nên triều Nguyễn, nên khi lên ngôi, vua Gia Long đã trọng dụng những người từng vào sinh ra tử với mình, ban cho quan chức, giao cho nắm giữ những trọng trách, nhiều người được phong đến tước Công, Hầu.
Đó là trường hợp của Kinh môn Quận công Nguyễn Văn Nhơn (Nhân). Theo gia phả, cha ông Nguyễn Văn Nhơn tên là Nguyễn Quang (tự Minh), gốc người Cửa Hàn, Đà Nẵng, đi vào Nam, buổi đầu lập nghiệp ở Trấn Biên (Biên Hòa), sau đó đến làng Tân Đông, huyện Vĩnh An (nay thuộc xã Tân Khánh Đông, thị xã Sa Đéc) lập gia đình với bà Thị Áo, con ông Hương hào Chiêm. Từ năm 1774, Nguyễn Văn Nhơn đầu quân theo Tống Phước Hiệp, Nguyễn Khoa Thuyên phò giúp chúa Nguyễn. Ông từng sang Vọng Các (Thái Lan) yết kiến Nguyễn Ánh bàn định kế hoạch lấy lại Gia Định. Khi Nguyễn Ánh lên ngôi (1802), Nguyễn Văn Nhơn rất được trọng dụng, là người đầu tiên được giao giữ chức Tổng trấn Gia Định Thành, và đã ba lần lãnh lấy trọng trách này, chức vụ cuối cùng của ông dưới Triều Nguyễn là Tổng Tài Quốc sử quán.
Điều đáng nói trong cuộc đời ông Nguyễn Văn Nhơn (dân địa phương còn gọi là Quan lớn Sen); là một người lập thân danh bằng đường “binh nghiệp”, song để có thể đảm đương trách nhiệm sau này, ông đã phải luôn tự học. Khi nhận chức Lưu Thủ Gia Định, gần 50 tuổi, ông vẫn chuyên tâm việc học, rước thầy về nhà để học; khi rảnh việc quan, ông lại đọc sách trau dồi thêm hiểu biết.
Là một đại thần được trọng dụng, Nguyễn Văn Nhơn rất mẫn cán trong việc việc cai trị, xây dựng đất nước trong thời bình. Ngay trong năm đầu Gia Long (1802), Nguyễn Văn Nhơn đã làm sớ dâng lên triều đình xin thực hiện 14 điều: 1. Định lại các sắc thuế; 2. Cầu người hiền; 3. Lập hương học; 4. Tiến cử người hiếu liêm; 5. Cải cách phong tục; 6. Định phép thi cử; 7. Cải cách hình phạt; 8. Định sắc phục cho kẻ trên người dưới. 9. Đặt phép cho nghiêm việc quan lại; 10. Phát chẩn cho dân nghèo; 11. Tiêu biểu người trinh tiết; 12. Thẩm định phép tắc; 13. Lập các nơi đồn trại; 14. Bỏ những thứ thuế tạp.
Có lẽ tự biết mình là người thuở nhỏ ít may mắn trong việc học hành nên trong sớ tâu, ông đặc biệt nhấn mạnh đến việc giáo dục:
“...Trị nước cốt yếu phải có nhân tài, hành chính không gì bằng giáo hóa. Trước kia vận trời biến loạn nên người đất Gia Định đã phải bỏ việc học hành. Ngày nay non sông mới xây dựng lại, bờ cõi thanh bình, thì chính là lúc phải dạy cho dân học. Vậy cúi xin đặt ra phép dạy, mỗi làng phải chọn ra một người có đức hạnh văn học, tha hẳn cho lao dịch để lo việc dạy dỗ cho con em trong làng...”([6])
14 điều ông Nguyễn Văn Nhơn đề nghị thực hiện tuy chưa phải là toàn bộ các chính sách để xây dựng đất nước; nhưng với tầm nhìn của ông thời bấy giờ, đây là những công việc cấp thiết cần phải thực hiện ngay trong những năm đầu tiên sau khi đất nước vừa thoát khỏi chiến tranh.
Trong bản điều trần, ông đề nghị phải hết sức quan tâm đến việc học, đào tạo nhân tài. Có lẽ do đề nghị của Nguyễn Văn Nhơn mà từ năm 1803, tại Gia Định mỗi làng được cử ra một người cho miễn lao dịch để chuyên lo dạy học. Trẻ em từ 8 tuổi trở lên thì học Tiểu học, rồi tới Hiếu kinh, Trung kinh; từ 12 tuổi học Tứ thư, 15 tuổi trở lên học Ngũ kinh, Chu tử và Sử. Tuy vậy, chưa có tài liệu nào nói rõ việc thành lập các “Hương học” như đề nghị của ông, mặc dù dưới thời Minh Mạng, Tự Đức có phát triển mạnh Huyện học, Phủ học (đây là dạng trường Quốc lập), còn cấp tổng, xã, thôn thì vẫn giao cho các thầy đồ giảng dạy tự do trong những lớp “dân lập” như đã nói trên.
Đến năm 1832 (Minh Mệnh thứ 13), Phủ học Tân Thành được xây cất tại thôn Vĩnh Phước (nay thuộc phường I, thị xã Sa Đéc), đây là một “cơ quan Nhà nước” trông coi việc học của một phủ được lập sớm nhất trong tỉnh An Giang.
Đến năm 1838, phủ học Kiến Tường được xây cất tại thôn Mỹ Trà (Tp.Cao Lãnh ngày nay). Năm sau, 1839, huyện học An Xuyên được xây cất tại thôn Tân Hựu (Nha Mân ).
Năm 1857, Tri phủ Hồ Trọng Đính đề xuất xây cất Văn Thánh Miếu tại làng Mỹ Trà (Cao Lãnh) để khuyến học. Một tư liệu dưới đời Tự Đức cho biết về một kỳ thi sát hạch của tỉnh An Giang, trước đó đã qua tuyển trạch tại Phủ học Tân Thành. Kết quả: có 3 người hạng trung bình, 167 hạng thứ, quê ở các làng Long Hậu, Tân Dương, Mỹ An, Hội An, Hòa An...([7]).
Dò tìm trong “Quốc triều Hương khoa lục”, dưới triều Nguyễn, số người đỗ cử nhơn tại trường thi Hương đặt tại Gia Định (Sài Gòn) có quê quán thuộc vùng Sa Đéc như sau:
- Hồ Ngọc Ngạn (đổi là Hồ Văn Tú), người thôn Tân Quy, huyện Vĩnh An, tỉnh An Giang, đỗ khoa Tân Sửu (1841);
- Đặng Văn Chương, người thôn Tân Phú, huyện Vĩnh An, tỉnh An Giang, đỗ khoa Bính Ngọ (1846);
- Hồ Quang Cơ, người thôn Tân Quy, huyện Vĩnh An, tỉnh An Giang, đỗ khoa Bính Ngọ (1846);
- Nguyễn Gia Hội, người thôn Tân Quy, huyện Vĩnh An, tỉnh An Giang, đỗ khoa Đinh Mùi (1847);  sau làm quan tới chức Ngự sử.
- Đỗ Hữu Tâm, người thôn Tân Phú, huyện Vĩnh An, tỉnh An Giang, đỗ khoa Đinh Mùi (1847);  sau làm quan tới chức Tri huyện, về hưu.
- Mai Đình Thực, người thôn Tân Dương, huyện Vĩnh An, tỉnh An Giang, đỗ khoa Đinh Mùi (1847);
- Nguyễn Trọng Trì, người thôn Định An, huyện Đông Xuyên, tỉnh An Giang, đỗ khoa Ất Mão (1855);
- Nguyễn Văn Sĩ, người thôn Nhơn Qúy, huyện Vĩnh An, tỉnh An Giang, đỗ khoa Mậu Ngọ (1858);
….
Mãi đến năm Tự Đức thứ 16 (1863) “Mới đặt trường thi hương văn, võ ở An Giang (lấy sang năm là năm Giáp Tý (1864) bắt đầu mở khoa). Dụ cho các cử nhân, tú tài ở Nam Kỳ người nào tình nguyện ra làm quan, thì do tỉnh Vĩnh Long, Bình Thuận cấp cho đi trạm về kinh; ai đi đến chỗ gần để sai phái, thì do tỉnh Vĩnh Long, An Giang tư bổ.”([8])
Tháng 1 năm 1864, triều đình Huế đặt chức Hương Thân ở mỗi làng, Hương Thân có nhiệm vụ giáo dục, cảm hoá, khuyên bảo dân làng không theo đạo Gia Tô. Hương Thân không dự vào việc làng. Về tiêu chuẩn: Hương Thân phải được lựa chọn trong số những viên quan đã về hưu, hoặc những người đỗ tú tài, những sĩ nhân tuổi từ 50 trở lên, có học thức, có đạo đức được mọi người tôn trọng. Trường hợp làng nào không có những người đạt tiêu chuẩn ấy thì phải chọn người nhiều tuổi, thuần hậu, thực thà, biết điều hay, lẽ phải để giao cho giữ chức Hương Thân.([9])
Như vậy, mãi đến hơn nửa thế kỷ sau, một phần kiến nghị của ông Nguyễn Văn Nhơn về giáo dục mới được Tự Đức cho thực hiện trên đất này.
Khoa thi hương ([10]) năm Giáp Tý (1864), trường thi An Giang (đặt tại Cần Thơ) mở cho sĩ tử 6 tỉnh Nam Kỳ vì 3 tỉnh miền Đông trong đó có Gia Định đã bị thực dân Pháp cưỡng chiếm. Khoa này Bố chánh Hà Tiên Nguyễn Văn Học làm chủ khảo, Án sát Vĩnh Long Nguyễn Văn Nhã làm phó chủ khảo. Đó là khoa thi hương đầu tiên cũng là khoa cuối cùng được mở trên đất An Giang ([11]), vì ba năm sau (1867) thực dân Pháp đã chiếm nốt ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ.
Năm này (1864), thực dân Pháp đã chiếm ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ rồi, chúng thành lập Dinh Thượng Thơ tại Sài Gòn, nắm trọn quyền về nội an, xưng tiếng Việt “Lại Bộ Thượng Thơ”, với con dấu khắc chữ nho “Lại Bộ Quan Phòng” (Direction de L’Intérieur) có quyền xử tử tội nhân sau khi được Đô đốc đồng ý.
Khi thực dân Pháp thiết lập bộ máy cai trị ở 3 tỉnh miền Đông thì: “Những kỳ thi lớn tổ chức ở Sài Gòn 3 năm 1 lần. Kỳ thi 3 năm đầu tiên được tổ chức vào tháng 10 năm 1864. Sau mỗi kỳ thi những học sinh xứng đáng của 3 tỉnh đỗ bằng tú tài và cử nhân... Những kỳ thi hàng năm vào mùa Xuân và mùa Thu (tháng thứ 4 và tháng thứ 10) sẽ được tổ chức như xưa do Đốc học triệu tập khảo hạch và kiến nghị cho những thí sinh xứng đáng được hưởng quyền lợi theo thông lệ như: miễn việc binh, lao dịch... một số người đỗ Tú Tài và Cử Nhân được bố trí tập sự ở văn phòng các phủ, huyện.”([12])
Từ năm 1867 trở đi, ở Nam Kỳ đã vĩnh viễn chấm dứt thời kỳ các nhà nho có thể tiến thân bằng con đường khoa cử.
Chuẩn bị cho việc đào tạo, tuyển chọn các “thầy thông, thầy ký” và để truyền bá chữ Quốc ngữ, bên cạnh Giáo thọ có một thông ngôn. Việc học chữ Quốc ngữ buổi đầu tuy không bắt buộc, nhưng trong những cuộc thi tuyển, thì ưu tiên chọn người sử dụng được chữ Quốc ngữ; về sau, các viên chức bắt buộc phải biết chữ Quốc ngữ. Về sau, Quốc ngữ  trở thành chữ viết chính thức trong các công văn, giấy tờ.
Đốc học được tuyển chọn từ các viên Tri phủ, Giáo thọ; và Huấn đạo được tuyển từ những người đỗ Cử Nhân hay Tú Tài. Tất nhiên, ban đầu họ chỉ là những nhân viên tập sự. Tùy tình hình, những nơi còn thiếu các viên chức sẽ tìm người bổ nhiệm dần, họ chỉ được trả lương sau khi đã làm việc thử.
Cũng cần biết thêm một số trường và tổ chức giáo dục do Pháp thành lập tại Sài Gòn trong những năm đầu thiết lập bộ máy cai trị như sau:
- Năm 1862, tại Sài Gòn, các bà sơ dòng Saint – Paul lập một nhà nuôi trẻ con Pháp và trẻ em lai cùng với một ký túc xá dạy nữ sinh con nhà khá giả bản xứ, gọi là Trường Nhà Trắng.
- Trường Thông ngôn: Sau khi chiếm các tỉnh miền Đông, Thống soái Nam Kỳ Bonnard ra sắc lệnh ngày 16-7-1864 lập trường Thông ngôn tại Sài Gòn (Collège des interprètes) đào tạo những thông ngôn cho Pháp.
- Năm 1866, Pháp mở trường trung học công lập đầu tiên là trường Đa-Trăn (Collège d’Adran) thâu nhận trẻ em người Việt, cấp học bổng nhằm dạy chữ Pháp, đào tạo giáo viên trường tổng (lúc bấy giờ còn gọi là giáo thọ) và công chức.([13]).
II-Giáo dục Sa Đéc từ 1867 đến 1945.
Năm 1867, thực dân Pháp thôn tính nốt ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ (Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên). Trong buổi đầu Pháp chưa thể mở trường dạy theo chương trình Pháp để đào tạo những nhân viên hành chính phục vụ cho họ, vì vậy các nho sĩ vẫn được sử dụng cho đến khi họ đào tạo được một đội ngũ nhân viên hành chính mới. Chữ Hán (chữ nho) vẫn được sử dụng đến những năm đầu thế kỷ 20, trong các đơn từ của dân chúng và cả công văn của chính quyền Pháp.
Do vậy, giáo dục ở Nam Kỳ về cơ bản vẫn giữ theo những quy định của nhà Nguyễn, có sửa đổi đôi chút cho phù hợp hoàn cảnh mới. Đốc học là chức vụ của vị quan lo việc giáo dục cho một tỉnh, chịu trách nhiệm về mặt quản lý nhà nước các trường ở phủ, huyện và đến cả thôn, xã. Trên danh nghĩa, Đốc học có nhiệm vụ, quyền hạn kiểm tra, khuyến khích việc học hành, thi cử, các hoạt động của các sĩ tử, nho sĩ, đảm bảo những quyền lợi cho họ; ngoài ra còn có quyền đề nghị cho họ tham gia các kỳ thi tuyển chọn người có năng lực bổ sung vào các chân thơ lại khiếm khuyết ở mỗi tỉnh, và tuyển các nho sĩ làm việc bên cạnh các thanh tra giáo dục hoặc bên cạnh các tri phủ, tri huyện.
Đốc học chịu sự chỉ đạo trực tiếp của viên Trú sứ (Chánh Tham Biện, Chủ tỉnh). Coi sóc việc giáo dục cấp phủ là Giáo thọ, cấp huyện là Huấn đạo. Các Giáo thọ, Huấn đạo tuy chịu sự chỉ đạo của Đốc học nhưng họ lại làm việc trực tiếp với các phủ, huyện, khi cần thiết họ có thể làm trợ lý cho các quan phủ, quan huyện trong việc thiết lập và duy trì các trường học ở xã, thôn.
Ngày 13-1-1873, Pháp cho lập Hội đồng nghiên cứu học chính ([14]) với nhiệm vụ là đảm trách các vấn đề có liên quan đến giáo dục công lập. Nhất là nghiên cứu cơ sở để thiết lập các trường học, nghiên cứu soạn thảo chương trình, chỉ ra những sách chữ Hán cần được dịch ra chữ quốc ngữ để phổ biến trong xứ, cuối cùng là soạn thảo một dự án giáo dục hoàn chỉnh.
Ngày 20-2-1873, Phó Thủy sư Đô đốc Dupré, Thống đốc Nam Kỳ ký sắc lệnh cho lập Trường Tập sự (Collège de Stragiaires) dành cho người Việt Nam, do Trương Vĩnh Ký điều hành, đào tạo nhân viên hành chánh các tỉnh Nam Kỳ ([15]). Trường này kế tục trường Thông ngôn, về sau chuyển thành trường Sư phạm, đào tạo giáo viên tiểu học cho Sài Gòn và các tỉnh.
Ngày 29-8-1873, Pháp cho mở tại Sài Gòn Trường Hậu bổ nhằm đào tạo những người Pháp thành nhân viên cai trị. Sau trường này chuyển qua Pháp.
Ngày 22-11-1873, Pháp lập ban giám khảo tuyển giáo viên dạy học. Ngày 24-11-1873, lập ban giám khảo tuyển sinh vào trường sư phạm.
Ngày 14-11-1874, Thống soái Nam Kỳ ký nghị định mở trường Trung học Chasseloup Laubat (Collège Chasseloup Laubat) ở Sài Gòn. Thời đó, trường này được gọi là Trường Bản xứ (vì trường mở ra để thu nhận con em người Pháp đang cai trị tại Nam Kỳ và con em một số quan lại làm việc với họ). Sau đó một số con em gia đình người Việt nếu nộp học phí cũng được vào học.([16])
Ngoài trường Taberd lập bởi Hội Truyền Giáo; Trường d’Adran và các trường khác điều hành bởi các Sư huynh Thiên Chúa giáo, các trường nữ sinh điều hành bởi các sơ Saint-Paul de Chartres; các trường còn lại của thành phố Sài Gòn đều đặt dưới sự kiểm soát của chính quyền.
Các trường sơ học vẫn tồn tại ở các làng, được gọi là trường chữ Nho. Thầy giáo dạy tại các trường này, ngoài chữ nho nếu dạy thêm chữ quốc ngữ sẽ được thưởng 200f mỗi năm.
Nhìn chung giáo dục những năm đầu Pháp thuộc ở Nam Kỳ là: “Ngay từ những ngày đầu tiên chiếm trọn Nam Kỳ (1867) họ đã bãi bỏ ngay các kỳ thi chữ Hán và thay vào đó  một nền giáo dục Pháp-Việt (đúng ra là nền Pháp học). Ban đầu chính quyền thuộc địa Nam Kỳ còn cho phép duy trì các trường dạy chữ Hán ở nông thôn và cũng cho phép các Nhà Chung hoặc tư nhân mở các lớp dạy chữ Quốc ngữ. Kể từ năm 1874, sinh hoạt văn hoá Việt Nam (nhất là ở Nam Kỳ) bắt đầu có sự thay đổi và cũng từ đó cái học cũ có cơ suy tàn trong lịch sử giáo dục cũ thay bằng cái học mới.”([17])
Theo nghị định ngày 17-3-1879, thực dân Pháp thành lập Sở học chính Nam Kỳ (Service de I’Instruction pulique) và đặt chương trình giáo dục Pháp Việt đầu tiên ở Nam Kỳ. Nghị định này quy định các trường công là tự nguyện và miễn phí. Muốn mở trường tư phải có giấy phép của chính quyền. Trường Công giáo đã mở khỏi phải xin phép. Trường tiểu học dạy chữ nho ở các làng khỏi phải xin phép và được khuyến khích, các trường này cũng sẽ được Tham biện, Giám đốc Học chính thanh tra và có thể được trợ cấp tuỳ theo số học sinh và kết qủa học vấn. Các trường tiểu học, Trường cấp II trước đây được thay thế bằng những trường học cấp I, II, III.([18])
Mỗi trung tâm sau đây được mở trường tiểu học: Hạt Sài Gòn, Chợ Lớn, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Bến Tre, Biên Hòa, Long Xuyên, Gò Công, Trảng Bàng, Cần Thơ, Trà Vinh, Sa Đéc, Tân An, Châu Đốc, Bà Rịa, Thủ Dầu Một, Rạch Giá, Hà Tiên và Cái Bè.
Thống kê sau đây cho biết tình hình trường lớp dạy chữ Quốc ngữ ở một số tỉnh vào năm 1883:
Điạ hạt
(Arrondissement)
Số tổng Số làng Số trường Số thầy giáo Số học sinh
Sa Đéc 9 88 9 9 435
Mỹ Tho 15 202 27 27 787
Long Xuyên 8 63 27 27 1047
Châu Đốc 10 99 10 10 599
Vĩnh Long 13 183 26 32 815
Ở Sa Đéc, đến năm 1885, Pháp cho xây dựng một trường tiểu học tại tỉnh lỵ, gọi là Trường Nam, sáu năm sau (1902), cho mở Trường Nữ tiểu học.([19])
Dù sao, dưới thời Pháp thuộc, Sa Đéc là một trong những tỉnh ở Nam Kỳ (ngoại trừ Sài Gòn và các tỉnh miền Đông) có số trường và số học sinh khá so với các tỉnh lân cận. Theo thống kê năm 1927 ([20]); Sa Đéc hồi ấy đã có số học sinh và trường học đứng hàng thứ ba trong các tỉnh.
“Tóm lại thì Sa Đéc, Vĩnh Long, Mỹ Tho, Bến Tre đứng đầu... Nếu so sánh 27 năm về trước, tức là năm 1899, chúng ta thấy trường học đã gia tăng, mặc dù còn xa lắm mới đáp ứng nhu cầu. Tỉnh Mỹ Tho, năm 1899 chỉ có một trường tỉnh, trường làng...”([21]). Tỉnh Sa Đéc năm 1899 chỉ có một trường tỉnh, 3 trường tổng, gồm 80 làng, toàn tỉnh 136.312 dân.
Đối chiếu với Rạch Giá là tỉnh mới lập, đất rộng, dân thưa, thì ở tỉnh Sa Đéc học sinh trong làng có điều kiện học hành dễ dàng hơn. Do vậy mà Mỹ Tho, Sa Đéc (miệt vườn) cung cấp nhiều giáo viên cho miền Tây (Rạch Giá, Sóc Trăng, Bạc Liêu...).
Đến năm 1925,1927; tổ chức giáo dục và hệ thống các trường học trong tỉnh Sa Đéc như sau:
+ Tại tỉnh lỵ Sa Đéc có Sở giáo dục, Trường tiểu học Nam; có các giáo viên:- Espelette, Giáo học Thượng hạng, Đốc học.- Nguyễn Quang Vị (Hiến), Giáo tập tam hạng.- Trương Văn Thiền, Giáo tập tam hạng.- Nguyễn Bá Thê, Giáo tập tứ hạng.- Nguyễn Văn Lãnh,Giáo tập tứ hạng.- Phạm Văn Thu, Giáo tập ngũ hạng.- Trần Văn Kiệt, Giáo tập ngũ hạng.- Trần Văn Khánh, Giáo tập lục hạng.- Phạm Văn Thay, Giáo tập lục hạng.- Nguyễn Văn Hang, Giáo tập thất hạng.- Lê Văn Chiêu,  Giáo tập bát hạng.- Huỳnh Công Kiên, Giáo tập bát hạng.- Huỳnh Văn Hương, Giáo tập bát hạng.- Nguyễn Văn Hoài, Giáo tập bát hạng.- Huỳnh Văn Đợi, Giáo tập bát hạng hậu bổ.- Trần Ly Hoằn, Hoạ sư thí sai.- Võ Văn Hiến, Giáo tập thí sai lục hạng.- Bạch Công Nhơn, Giáo tập thí sai hậu bổ.- Dương Văn Hi, Giáo tập thí sai hậu bổ.- Huỳnh Ngọc Chiếu, Giáo tập thí sai hậu bổ.- Nguyễn Văn Tài, Giáo tập thí sai hậu bổ.- Phùng Văn Hào, Giáo tập thí sai hậu bổ.- Nguyễn Quang Hoài, Giáo sư.
+ Trường tổng Cái Tàu Hạ, gồm có 5 giáo viên là:- Lê Văn Sến, Giáo tập lục hạng.- Nguyễn Văn Cường, Giáo tập hậu bổ.- Nguyễn Văn Tương, Giáo tập hậu bổ.- Võ Văn Dương, Giáo tập thí sai thất hạng.- Lê Văn Bằng, Giáo tập bát hạng.
+ Trường tổng tại Cao Lãnh: gồm có 8 giáo viên là:- Dương Văn Chắc, Giáo tập ngũ hạng.- Bùi Văn Hiền, Giáo tập ngũ hạng.- Trần Quang Hạo, Giáo tập thất hạng.- Lý Ngọc Kiểm, Giáo tập thất hạng hậu bổ.- Trịnh Công Phó, Giáo tập thí sai lục hạng.- Trần Văn Biên, Giáo tập thí sai bát hạng.- Đào Duy Thiệt, Giáo tập thí sai bát hạng.- Nguyễn Văn Bửu, Giáo tập thí sai hậu bổ.
+ Trường tổng tại Mỹ Long, gồm có 5 giáo viên là:- Dương Văn Qúi, Giáo tập thất hạng.- Huỳnh Văn Học, Giáo tập thí sai hậu bổ.- Dương Hiến Quang, Giáo tập Hán tự.- Lê Tân Cang, Giáo tập thí sai hậu bổ.- Lê Văn Lợi, Giáo tập thí sai hậu bổ.
+ Trường tổng tại Long Hưng, có 02 giáo viên là:- Tạ Văn Thới, Giáo tập thí sai bát hạng.- Dương Minh, Giáo tập thí sai bát hạng.
+ Trường tổng tại Lai Vung, có hai giáo viên là:- Trần Văn Nghê (Lê), Giáo tập thí sai thất hạng.- Nguyễn Tấn Mười, Giáo sư.
+ Nữ học đường tại tỉnh lỵ Sa Đéc, có 12 giáo viên là:- Espelette, Nữ giáo học nhứt hạng, Đốc học.- Nguyễn Tri Hiếu, Giáo tập ngũ hạng.- Nguyễn Hữu Hớn, Giáo tập bát hạng.- Nguyễn Tấn Thinh, Giáo tập hậu bổ.- Nguyễn Thị Qúi, Nữ sư thí sai thất hạng.- Võ Thị Đinh, Nữ sư thí sai bát hạng. - Nguyễn Thị Phú, Nữ sư thí sai hậu bổ.- Hồ Thị Em, Nữ sư thí sai hậu bổ.- Trần Thị Hường, Nữ sư thí sai hậu bổ.- Lê Thị Tuyển, Nữ sư thí sai hậu bổ.- Hồ Thị Quyên, Nữ sư.- Hồ Thị Đạm, Nữ sư.
+Nữ học đường tại các nơi trong tỉnh, gồm có 10 giáo viên là:- Huỳnh Thị Cương, Nữ sư, Hòa An.- Trần Thị Viễn, Nữ sư, Chợ Cồn.- Nguyễn Thị Lượng, Nữ sư, Chợ Cồn- Trần Thị Tư, Nữ sư, Cái Tàu Thượng.- Nguyễn Thị Hoàn, Nữ sư thí sai hậu bổ, Mỹ Trà.- Đỗ Thị Bệ, Nữ sư thí sai hậu bổ, Mỹ Trà.- Lê Thị Xuân (Nhỏ), Nữ sư , Tân Dương.- Nguyễn Thị Soạn, Nữ sư, Thượng Văn.- Trần Thị Nhượng, Nữ sư thí sai thất hạng, Cái Tàu Hạ.- Nguyễn Thị Đài, Nữ sư thí sai hậu bổ, Cái Tàu Hạ.([22])
Cũng cần biết qua về giáo dục bậc tiểu học của thời kỳ này. Những trường tiểu học được thiết lập ở một số “hạt”(chef-liêu d’arrondissement)([23]) như Sài Gòn, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Bến Tre, Sóc Trăng, Sa Đéc,... tổ chức của một trường tiểu học tại tỉnh lỵ thông thường gồm có: Một hiệu trưởng được chọn từ những người thông ngôn Việt Nam hạng nhất, hoặc từ những người Pháp có bằng Tú tài văn chương hay khoa học, hoặc một người có năng lực được Hội đồng thẩm định. Những giáo viên bản xứ biết tiếng Pháp với số lượng tùy theo quy mô của trường. Nhà trường chấp nhận theo yêu cầu của cha mẹ cho con ở nội trú hay ngoại trú. Chính quyền hạt công bố sự chấp nhận này vào dịp Tết. Học sinh nội trú được hưởng 10f mỗi tháng (tiền ăn, quần áo) từ ngân sách thuộc địa. Thời gian xác định khóa học là ba năm. Mười học sinh xứng đáng nhất của mỗi khóa học được ghi tên vào bảng danh dự để trong một phòng của nhà trường. Cuối mỗi năm học có một kỳ thi tuyển học sinh năm thứ 3 của tất cả trường tiểu học, những câu hỏi thi nằm trong chương trình tiểu học. Học sinh của các trường đặc biệt có thể tham dự với điều kiện phải ghi danh trước.
Năm 1925-1926; ông Nguyễn Văn Dần, quê ở Sa Đéc([24]) cùng vài người quen sáng lập một trường tiểu học tư thục tại Sài Gòn lấy tên là “Gia Long học đường”. Kỳ thi lấy bằng tiểu học khoá ngày 14 tháng 7 năm 1926 có 26 học sinh của trường này thi đậu (trong đó học trò quê Sa Đéc có 3 người, Sài Gòn có 4 người...). Kỳ thi cấp bằng sơ học năm 1926, trường này cũng có 15 học sinh thi đậu (trong đó có 1 học sinh quê Sa Đéc).
Chúng ta đều biết dưới thời Pháp thuộc giáo dục không phát triển do chính sách ngu dân của thực dân Pháp, chúng “lập nhà tù nhiều hơn trường học”. Cho đến Cách mạng Tháng Tám năm 1945, toàn Nam Kỳ (trừ Sài Gòn) chỉ có 2 trường trung học (cấp II), một ở Mỹ Tho và một ở Cần Thơ.
Nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng có nhận định khá công bằng về giáo dục như sau:
“…Giáo dục ở Nam Bộ từ 1858 đến 1975, chúng ta bắt gặp tính hai mặt khá rõ. Pháp (rồi Mỹ) dụng công biến đổi tâm hồn người Việt Nam ở vùng cực Nam này, nhằm đào tạo kiến thức phục vụ cho nền thống trị của chúng, nhằm cung cấp cho thực dân đội ngũ người làm thuê. Song giáo dục bản thân nó là khoa học, thừa hưởng thành quả của nhân loại về kiến thức và những điều tốt đẹp, lại gặp mảnh đất mà lòng khát khao chỉ đạo hành vi của những ai có giáo dục, cho nên được người Việt Nam tiếp nhận lại từ tính tiến bộ của nền văn minh-tạm gọi, văn minh công nghiệp…Đó là nét đặc thù của nền giáo dục Việt Nam cận và hiện đại…” ([25])
Dưới thời Pháp thuộc, ở Sa Đéc có nhiều học trò giỏi, có chí học hành, có điều kiện đi học ở Sài Gòn, du học nuớc ngoài đã đỗ đạt cao, thành danh, nổi tiếng.
Chuyển tiếp từ Nho học sang Tây học tiêu biểu có ông Đào Thái Hanh. Ông Đào Thái Hanh sinh năm 1870 tại làng An Tịch, tổng An Hội, Sa Đéc. Được cha là ông Đào Văn Quế gốc người Minh Hương dạy cho chữ nho từ nhỏ, rồi học chữ quốc ngữ và chữ Pháp tại Trường tỉnh Sa Đéc. Năm 1890, Đào Thái Hanh thi đỗ, được bổ làm giáo tập dạy chữ nho, sau chuyển sang ngạch công chức đổi đi nhiều nơi, lúc thì làm giáo tập, lúc làm thơ ký toà bố, làm thông ngôn…
Từ năm 1894, ông Đào Thái Hanh chuyển ra làm việc tại Toà sứ Trung kỳ rồi trở thành “vị quan cao cấp ngạch Nhà nước An Nam”. Điều đáng nói không phải là con đường làm quan của ông, mà chính là những hoạt động văn hoá của ông. Tại Huế, ông Đào Thái Hanh tham gia “Hội của những người bạn Huế xưa”, ông là cộng tác viên cần cù của Tạp chí “Những người bạn cố đô Huế” (Bulletin des Amis du Vieux Húe-B.A.V.H.) với những công trình nghiên cứu, bài viết về Nữ thần Thiên Y A Na, Liễu Hạnh, Thái Dương, Kỳ Thạch…, viết “…những trang sử đẹp về cuộc đời của Ngài Phan Thanh Giản…”. Hoạt động văn hoá của ông được người Pháp phong là  Viện sĩ danh dự của Viện Hàn lâm Pháp. Năm 1916, ông Đào Thái Hanh mất, triều đình Huế truy phong Lễ Bộ Thượng Thư…
Cùng thời ấy, hai anh em Nguyễn Xuân Quan (sinh 1887) đỗ Cử nhân Luật khoa (Licencie’ en Droit); Nguyễn Xuân Giác (sinh 1889?) đỗ Tiến sĩ Luật khoa (Docteur en Droit) tại Pháp. Về nước, cả hai được bổ nhiệm làm quan toà tại các các tỉnh. Thời ấy người ta gọi hai ông này là “Toà Quan”, “Toà Giác”.
 Tuy là thời kỳ giao thoa, chịu ảnh hưởng của giáo dục Nho-Pháp-Việt; Sa Đéc có nhiều người; phần lớn khởi đầu với nghề “giáo học”, rồi học tiếp, đỗ đạt, chuyển đi làm quan các nơi, có người ra Huế làm quan to cho “Nam Triều”.
Ông Nguyễn Đăng Tam (sinh 1867, Tân Phú Đông, Sa Đéc); từng dạy học tại Collège de Mỹ Tho (Trung học Mỹ Tho). Bước sang hoạn lộ, năm 1926 ông thăng đến chức Lễ bộ thượng thư, kiêm Tham tá Cơ mật viện của nhà nước “Nam triều”.
Còn ông Lê Văn Vĩ (sinh 1855, Phú Nhơn-Nha Mân), bắt đầu vào nghề dạy học từ 1880 tại trường tỉnh Vĩnh Long. Ông được xếp thứ nhì trong ba giáo viên giỏi của cả Nam Kỳ.
Ông Nguyễn Đăng Trường (sinh 1862, Tân Qui Đông, Sa Đéc) vào nghề dạy học từ năm 1882, dạy ở Gia Định (Sài Gòn), Vĩnh Long rồi chuyển về Sa Đéc từ 1884.Ông là vị Đốc học- Thanh tra đầu tiên của tỉnh Sa Đéc.
Từ năm 1882 cho đến 1922, 40 năm trong ngành giáo dục, hàng ngàn học trò ở Sa Đéc đã học với thầy Nguyễn Đăng Trường; trong đó có nhiều người hiển đạt như: Kỹ sư Lưu Văn Lang, kỹ sư Lương Văn Mỹ, bác sĩ Lê Quang Trinh, cử nhân luật Nguyễn Xuân Quan, tiến sĩ luật Nguyễn Xuân Giác, tiến sĩ Vạn vật học Nguyễn Thành Giung; và nhiều người trong giáo giới hoặc giữ các chức vụ phủ, huyện : Nguyễn Xuân Hiển, Lê Bá Trang, Trương Minh Giảng, Lê Quang Tường, Đinh Quang Hiến…([26])
Ông Nguyễn Văn Vĩ (Michel Văn Vĩ) là một trường hợp đặc biệt. Ông sinh năm 1895 tại Sa Đéc, có quốc tịch Pháp, du học bên Pháp, tốt nghiệp Trường Cao học Thương mại Paris, lấy vợ người Pháp, sau đó ly dị, trở về nước.
Cuối những năm 1929, đầu những năm 1930, ông Nguyễn Văn Vĩ là một trong số ít người Việt Nam làm Phó Giám đốc Pháp Hoa ngân hàng, rồi Tổng Giám đốc Việt Nam Công thương ngân hàng, đại diện cho nhóm tư sản dân tộc đấu lại với bọn tài phiệt nước ngoài trên lĩnh vực tài chính, ngân hàng.
Michel Văn Vĩ cùng một số nhân sĩ, trí thực (trong đó có kỹ sư Lưu Văn Lang) sáng lập Hội SAMIPIC, vận động quyên góp tiền để cấp học bổng cho số học sinh giỏi nhưng nhà nghèo không thể theo học cao hơn. Ông là Hội trưởng Hội tương tế Sa Đéc, tập họp số đồng hương Sa Đéc lo việc tương trợ tang tế…, tạo tình đoàn kết tương thân, cũng là hình thức tập họp quần chúng hợp pháp, làm nền tảng cho việc giáo dục chính trị về sau.
Khi quân Nhựt chiếm Đông Dương, tổ chức Việt Minh ở Nam Bộ chủ trương thành lập Hội truyền bá quốc ngữ  để tập họp quần chúng, thông qua đó giáo dục chính trị không để bị Nhật, Pháp lừa mị…Với vị thế là bạn của Thống đốc Nam Kỳ Hoeffel, ông Michel Văn Vĩ đứng ra thành lập Hội truyền bá quốc ngữ Nam Kỳ và được Hoeffel ký giấy phép cho Hội hoạt động. Giấy phép ký ngày 18-8-1944, ngày 5-11-1944, Ban Chấp hành và các ban chuyên môn của Hội chính thức đi vào hoạt động. Chỉ trong vòng một tháng, các tỉnh lớn trước, nhỏ sau đều thành lập Chi Hội truyền bá quốc ngữ, phong trào trở nên sôi nổi, thu hút giáo chức, học sinh tham gia từ thành thị đến nông thôn…
Hội viên Hội truyền bá quốc ngữ góp phần cùng với Thanh niên Tiền Phong làm vai trò xung kích trong việc giành chính quyền ngày 25-8-1945 tại Sài Gòn và các tỉnh Nam Bộ.
Dưới thời chính phủ bù nhìn Bảo Đại, Hội truyền bá quốc ngữ là một tổ chức công khai hợp pháp, là cơ sở dự trữ nhân sự cho các tổ chức và phong trào cách mạng. Hai bản “Tuyên ngôn của trí thức” (năm 1947 và năm 1949) với hàng trăm chữ ký của trí thức ủng hộ kháng chiến, trong đó kể đầu là kỹ sư Lưu Văn Lang và không thiếu chữ ký của Michel Văn Vĩ.
Sau 1954, ông Michel Văn Vĩ vẫn là một trong những trí thức yêu nước hoạt động trong lòng đô thị Sài Gòn. Tháng 4-1964, ông tham gia Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam với bí danh Huỳnh Đàn. Nhiều lần ông bị chính quyền Sài Gòn bắt đi tù. Cho đến cuối năm 1967, ông và một số nhân sĩ trí thức mới được thả ra, lúc này ông đã 72 tuổi, lại bị tù đày nên sức khoẻ rất yếu.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông điều trị bệnh tại bệnh viện Nguyễn Trãi (TP.Hồ Chí Minh). Ông mất ngày 2-2-1976.
Ông Nguyễn Thành Giung (sinh 1894, Tân Hưng, Sa Đéc); năm 1915 được sang Pháp du học tại Đại học Khoa học Marseille, tốt nghiệp hạng ưu Tiến sĩ Vạn vật học (Sinh học). Về nước, ông Nguyễn Thành Giung giảng dạy tại các trường: Sư phạm Sài Gòn, Chasseloup Laubat, Pétrus Trương Vĩnh Ký, làm Hiệu trưởng trường Trung học Mỹ Tho (Collège de Mỹ Tho).
Năm 1952-1953; ông Nguyễn Thành Giung làm Bộ trưởng Bộ Quốc gia giáo dục (nội các Nguyễn Văn Thinh, Trần Văn Hữu…), có lúc kiêm Phó Viện trưởng Viện Đại học hỗn hợp Việt-Pháp tại Hà Nội và chi nhánh tại Sài Gòn. Ngày 14-10-1953, ông ký Nghị định 193-GD/NA ban hành một Chương trình giáo dục mới “trên toàn cõi Việt Nam”. Thật ra đây là “Chương trình Hoàng Xuân Hãn” được soạn từ tháng 6-1945, có thể được xem là chương trình giảng dạy bằng tiếng Việt đầu tiên trong lịch sử giáo dục nước ta.
Trong lớp nhân sĩ trí thức Nam Bộ nổi trội hơn cả là Kỹ sư Lưu Văn Lang.
Ông Lưu Văn Lang (sinh 1880, Tân Phú Đông, Sa Đéc), thuở nhỏ học chữ nho, năm 10 tuổi mới bắt đầu học chữ quốc ngữ và chữ Pháp. Là học trò giỏi, liên tục được học bổng, Lưu Văn Lang lên học trường Chasseloup Laubat, Sài Gòn. Năm 17 tuổi được sang Pháp học tại trường L’Ecole Centrale de Paris (Quốc gia Bách nghệ trung ương). Năm 1908, Lưu Văn Lang tốt nghiệp hạng ưu với văn bằng Ingénuer des Arts et Manufacture (Kỹ sư xây dựng chuyên ngành giao thông công chánh). Về nước, nhà cầm quyền Pháp cử ông sang Trung Quốc thiết kế và xây dựng đường xe lửa Vân Nam (lúc này Pháp được quyền khai thác).
            Từ năm 1909-1940, kỹ sư Lưu Văn Lang làm việc cho Sở Công chánh Sài Gòn. Ông nổi tiếng với những lần đi kiểm tra cầu cống. Tài năng, bản lĩnh chuyên môn của “Bác vật Lang” hơn hẳng các kỹ sư đồng nghiệp người Pháp.
            Xuất thân từ học trò nghèo, hiếu học, khi thành đạt ông Lưu Văn Lang có nhiều hoạt động “khuyến học”. Ông thành lập Hội Khai trí Tiến Đức ở Hà Nội và Hội SAMIPIC ở Sài Gòn (Socíeté pour L’amélioration morale). Mục đích hoạt động của các Hội này là nhằm mục đích nâng cao tinh thần, trí tuệ và thể lực cho học sinh sinh viên Nam Kỳ và cả Đông Dương. Hội giúp nhiều học bổng cho sinh viên nghèo, học giỏi được đào tạo ở nước ngoài thành những nhà khoa học kỹ thuật cao cấp.
            Năm 1943-1944, ông cùng với ông Michel Văn Vĩ và các nhân sĩ lập Hội truyền bá quốc ngữ, phong trào hoạt động rầm rộ ở Sài Gòn và các tỉnh
            Tháng 3-1945, Nhật đảo chánh Pháp; chính phủ Trần Trọng Kim mời ông ra Huế giữ chức Tổng trưởng (như Bộ trưởng). Từ chối chức vụ mà ông cho chỉ là tay sai cho phát xít Nhật và thực dân, đế quốc; ông có câu nói nổi tiếng: “Không làm đầy tớ cho ai nữa cả!”.
            Cách mạng Tháng Tám, rồi ngày 23-9-1945, quân Pháp tái chiếm Sài Gòn. Ông Lưu Văn Lang giữ tinh thần bất hợp tác với thực dân Pháp và các chính phủ bù nhìn. Nhà ông ở đường Chasseloup Laubat (nay là Nguyễn Thị Minh Khai) được dùng làm nơi liên lạc, hội họp của các nhân sĩ, trí thức yêu nước.
            Năm 1947, kỹ sư Lưu Văn Lang cùng bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng, giáo sư Đặng Minh Trứ vận động gần 300 trí thức ký tên vào bản kiến nghị đòi chính phủ Pháp đàm phán với chính phủ kháng chiến (Việt Minh) để chấm dứt chiến tranh. Cả ba vị cùng đến gặp Bollaert, Cao uỷ đại diện cho nước Pháp đưa kiến nghị. Cuộc tranh luận đã diễn ra gay gắt. Bollaert ngoan cố không chịu đàm phán với chính phủ Việt Minh; dựng nên cái gọi “Chính phủ Nam Kỳ tự trị”-thực chất là chính phủ bù nhìn, tay sai thực dân Pháp…
            Sau đó, bác sĩ Hưởng và giáo sư Trứ ra chiến khu. Kỹ sư Lưu Văn Lang ở lại Sài Gòn với thái độ rõ ràng đứng về phía nhân dân, đối mặt với kẻ thù cướp nước. Với vị thế của mình, ông Lưu Văn Lang ra sức tranh thủ những nhân vật quan trọng từ Pháp sang nắm tình hình Việt Nam, trong đó có văn hào Georges Duhamel…
            Năm 1949, ông Lưu Văn Lang lại một lần nữa là người ký tên đầu bản danh sách Kiến nghị thứ hai đòi chính phủ Pháp thương lượng với chính phủ Hồ Chí Minh để trao trả độc lập và tái lập hoà bình cho Việt Nam. Bản kiến nghị đã thu thập được hàng ngàn chữ ký của trí thức, các tầng lớp ở Sài Gòn và khắp nơi làm cho thực dân Pháp và tay sai bối rối.
            Đám tang trò Trần Văn Ơn tại Sài Gòn ngày 9-1-1950 trở thành cuộc biểu dương chính trị lớn chống chính sách đàn áp dã man của thực dân Pháp và chính quyền tay sai. Ông Lưu Văn Lang, tuổi đã 70, dẫn đầu cuộc biểu tình hàng trăm ngàn người giữa Sài Gòn, trở thành  “Phong trào Trò Ơn” lên tiếng phản đối mạnh mẽ bọn thực dân Pháp xâm lược và chế độ tay sai.
            Tuổi càng cao, lòng yêu nước của ông Lưu Văn Lang vẫn không hề vơi. Năm 1954, ông Lưu Văn Lang là Chủ tịch danh dự của Phong trào Hoà bình. Tháng 11-1954, chính quyền Ngô Đình Diệm bắt ông giam giữ; nhưng vì uy tín lớn lao của ông buộc họ phải thả ông ra.
            Ông Lưu Văn Lang hoàn toàn ủng hộ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Ông giữ liên lạc với Uỷ ban Trung ương Mặt trận, công khai phổ biến các văn kiện của Mặt trận ngay giữa Sài Gòn. Ông mất ngày 3 tháng 8 năm 1969, hưởng thọ 90 tuổi.
***
Một trong những nét đặc biệt của giáo dục Sa Đéc là từ đầu thế kỷ XX, các phong trào yêu nước: Duy Tân, Đông Du, Cuộc Minh Tân…đã lan rộng và tác động mạnh mẽ đến các giáo chức và học sinh.
Năm 1909, thực dân Pháp đưa đi đày Côn Đảo nhiều người trong nhóm Đông Kinh nghĩa thục Hà Nội như: Võ Hoành, Nguyễn Quyền, Lương Văn Can…
Năm 1910, các ông được thả ra nhưng bị đưa vô Nam, chỉ định cư trú-“an trí” mỗi người một nơi. Cụ Võ Hoành về Sa Đéc, cụ Nguyễn Quyền ở Bến Tre, còn cụ Lương Văn Cang thì bị đưa sang tận Nam Vang.
Cụ Võ Hoành về Sa Đéc cùng gia đình, làm một ngôi nhà tại làng Tân Qui Đông, sống bằng nghề coi mạch hốt thuốc và dạy chữ Nho. Tuy không chính thức mở trường dạy học nhưng ngôi nhà ông Võ Hoành trở thành một tàng thư, chứa sách vở dạy học trò. Nhiều gia đình trong vùng đã gởi con em đến xin được học với cụ Hoành. Học trò cụ đều là những người yêu nước, trực tiếp tham gia Mặt trận Việt Minh, góp phần giành thắng lợi trong cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945 ở Sa Đéc.
Tháng 8 năm 1926 hơn 400 người trong đó có đông đảo học sinh giáo chức trường Sơ học Cao Lãnh đã long trọng tổ chức lễ truy điệu cụ Phan Chu Trinh tại nhà lồng chợ với tấm băng đen mang dòng chữ kêu gọi lòng yêu nước “Anh hùng tử, khí hùng nào tử”. Một tuần sau đó, tại Trường Nam Sa Đéc cũng đã diễn ra cuộc để tang và truy điệu cụ Phan Chu Trinh khiến bọn mật thám phải trách quở viên đốc học người Pháp và đuổi học một số học sinh cầm đầu tham dự buổi lễ truy điệu này...
Tháng 8 năm 1928, tại thị xã Sa Đéc, “Sa Đéc học đường”, một trường tiểu học tư thục được thành lập có 5 lớp (từ lớp năm đến lớp nhất, tương đương trường tiểu học có 5 lớp từ lớp 1 đến lớp 5 ngày nay). Hồi ký của đồng chí Hà Huy Giáp cho biết :
“Trường do sáng kiến của đồng chí Châu Văn Liêm hùn vốn với các đồng chí lương y Nguyễn Kiều, Trần Kim Giáp, Trần Nhật Tân nhằm làm tài chính cho đoàn thể và nơi liên lạc của đoàn thể. Từ hiệu trưởng (hồi đó gọi là Cai trường) đến thầy giáo đều là hội viên của “Thanh niên” (tức Thanh niên cách mạng đồng chí hội, BT.). Chỉ cô giáo dạy lớp 5 là chưa hội viên, nhưng có thiện cảm với Hội.
Trường thu nhận những em quá tuổi vào trường công hoặc các em bị đuổi ở trường công... Chúng tôi nhận tất cả với niềm tin rằng với tình thương, niềm tin và sự coi trọng các em, kết hợp giáo dục kiến thức với giáo dục tinh thần tự hào, tự trọng của dân tộc, làm cho các em biết tủi nhục vì sự mất nước của dân tộc, chắc chắn sẽ cải tạo được các em.
Chúng tôi chỉ tỏ ra thầy trò trong giờ lên lớp. Ngay trong lớp, trò muốn thử thầy, đặt ra những câu hỏi có liên quan đến vấn đề mình dạy. Có những câu hỏi không liên quan gì thì thầy hứa sẽ trả lời trong giờ nghỉ hay khi có dịp. Còn những vấn đề thầy không biết thì thú thiệt với trò rằng mình không biết, sẽ tra cứu trả lời khi đã nắm được vấn đề. Những vấn đề liên quan đến bí mật của Hội hay của trường thì trả lời mình không biết, dù mình biết.
Ngoài lớp, chúng tôi coi nhau như anh em. Có nhiều em xấp xỉ bằng tuổi tôi. Có một em lớn hơn tôi một tuổi. Nhưng em rất gương mẫu về mọi mặt. Tốt nghiệp, em này thi vào bưu điện. Về kiến thức chúng tôi phải dựa vào sách giáo khoa của trường công. Nhưng trong lúc giảng dạy, chúng tôi tìm cơ hội liên hệ với xã hội hàng ngày và truyền cho các em những tư tưởng tiến bộ trích trong các tác phẩm lưu hành thời bấy giờ.
Trong việc quản lý trường lớp, trên cơ sở quy chế chung, chúng tôi hướng dẫn các em nội quy cụ thể của lớp nhằm giúp các em học hành tốt, cư xử hàng ngày ở trường lớp, ngoài xã hội với tình cảm anh em, tình người, gây truyền thống tốt đẹp cho trường.
Anh Nguyễn Kim Cương (trong cấp ủy của Hội), phụ trách lớp nhì, đã giúp đỡ tôi nhiều trong công tác giảng dạy cũng như quản lý.
Mỗi lần em nào làm bài sai hay trả lời sai, trước hết chúng tôi tìm xem trong cách giảng dạy của mình có gì thiếu sót. Lúc đó chưa có băng ghi âm như ngày nay. Một mặt chúng tôi nhớ xem mình đã nói có gì sai, có gì khó hiểu; mặt khác, hỏi các em mình đã nói như thế nào. Tóm lại là tự phê bình và đề nghị các em phê bình mình rồi mới tìm hiểu cách học tập trên cơ sở tự lực là chính; tuy nhiên không được làm bài cho bạn, giúp như thế bằng mười hại bạn.
Đến kỳ thi tốt nghiệp, tỷ lệ đỗ của trường chúng tôi vuợt hẳn trường công. Về sau nhiều em đã tham gia phong trào 1930-1931 hay ít ra cũng thiện cảm với phong trào. Trong khí thế đi lên của trường, đoàn thể phải nhường trường cho người khác để đối phó với sự phân liệt của đoàn thể.
Anh Châu Văn Liêm và cả bọn chúng tôi thỏa mãn với khoá học 1928-1929 của Sa Đéc học đường. Trừ đồng chí Cai trường là có học đến năm thứ 4 trường Trung cấp sư phạm Sài Gòn, còn lại 5 anh chị em chúng tôi chưa có ai học một lớp sư phạm nào mà giảng dạy vẫn có chất lượng về kiến thức, về hạnh kiểm. Chúng tôi cũng không được vinh dự học chính trị trực tiếp với đồng chí Nguyễn Ái Quốc, chỉ được anh em truyền lại và đưa cho nghiên cứu cuốn “Đường kách mệnh”.([27])
Ngọn lửa yêu nước và cách mạng đã bừng lên trong các thế hệ thanh thiếu niên học sinh và giáo chức của tỉnh Sa Đéc nửa cuối thế kỷ 19 và những thập niên đầu thế kỷ 20.
Cùng với phong trào cách mạng sôi nổi của quần chúng chống thực dân Pháp, nhiều thầy cô giáo đã trưởng thành, cống hiến xuất sắc cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập tự do cho quê hương, đất nước.
Cô giáo Ngài- Trần Thị Nhượng, là Bí thư Tỉnh Ủy Lâm Thời Sa Đéc, vào sáng ngày 25 tháng 8 năm 1945 đại diện cho Mặt trận Việt Minh tỉnh Sa Đéc đến ngay dinh tỉnh trưởng công bố lệnh của Uỷ ban khởi nghĩa, buộc chính quyền tay sai Pháp- Nhật phải bàn giao chính quyền cho nhân dân.
 
III-Giáo dục Sa Đéc sau 1945…
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Sa Đéc cũng như nhiều tỉnh khác ở Nam Bộ có hai vùng khác nhau và hai hệ thống giáo dục khác nhau: Giáo dục của địch trong vùng bị tạm chiếm và giáo dục cách mạng ở vùng giải phóng (cũng gọi vùng tự do, vùng kháng chiến).
Đối với giáo dục trong vùng tạm chiến của địch, chương trình, nội dung và phương pháp giáo dục về căn bản không có gì thay đổi so với trước. Ở vùng giải phóng, hệ thống giáo dục cách mạng được hình thành. Lời kêu gọi của Bác Hồ “diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm” đã được toàn dân hưởng ứng, Người nói “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (9/1945), Bác Hồ đã gửi thư cho học sinh cả nước. Bức thư có đọan: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu”.
 Phong trào chống nạn mù chữ phát triển mạnh mẽ, các lớp bình dân học vụ và nhiều hình thức học tập phong phú khác mở rộng khắp nơi. Trong phạm vi cả nước chỉ trong vòng một năm đã có khoảng 2 triệu người thoát nạn mù chữ.
Cách mạng Tháng Tám, rồi bước vào cuộc kháng chiến 9 năm, nhiều thầy giáo có tâm huyết của Sa Đéc đã đi theo cách mạng, vào chiến khu, vùng kháng chiến, tham gia dạy học và công tác như thầy Ngô Văn Hay (Kỳ), thầy Phan Văn Thà…và rất nhiều thầy khác. Tháng 8/1947, trong chiến khu Đồng Tháp Mười, Sở giáo dục Nam Bộ được thành lập, rồi lần lượt ở các tỉnh hình thành Ty giáo dục và sau đó khi ổn định tình hình, Uỷ ban kháng chiến hành chánh tỉnh bắt đầu xây dựng ngành giáo dục từ tỉnh đến xã để đáp ứng nhu cầu học hành của nhân dân. Tỉnh Sa Đéc mở được 32 lớp tiểu học với 1.098 học sinh và 44 giáo viên.
Sở Giáo dục Nam bộ quản lý các trường trung học kháng chiến như trường Nguyễn Văn Tố, Thái Văn Lung, Hùynh Phan Hộ ([28]).
Thành tựu lớn nhất của giáo dục giai đọan này là hình thành được một nội dung chương trình và phương pháp giáo dục theo hệ thống giáo dục cách mạng. Trong công cuộc kháng chiến, kiến quốc đầy khó khăn gian khổ, việc mở các trường lớp chính quy để thu hút nhiều học sinh đến học không phải là điều dễ dàng. Thành qủa giáo dục nổi bật là của ngành học bình dân học vụ, bổ túc văn hoá. Giáo dục đã thực sự là của mọi người. Đảng ta đã chú trọng xoá nạn mù chữ cho toàn dân – coi dốt là một thứ giặc không kém gì giặc ngoại xâm. Tỉnh Sa Đéc xoá mù chữ đạt 64%, là một trong 13 tỉnh đạt tỷ lệ cao([29]). “Người biết chữ có nhiệm vụ dạy người chưa biết chữ” không chỉ là khẩu hiệu mà thực sự trở thành hiện thực.
Trong các cơ quan, tổ chức, chính quyền, đòan thể, bộ đội của ta, hầu hết những người tham gia là nông dân, công nhân, thợ thủ công, dân nghèo thành thị... vốn trình độ học vấn thấp hoặc mù chữ. Để đáp ứng nhu cầu của cuộc kháng chiến, việc nâng dần trình độ cho cán bộ nhân viên là điều bức thiết. Vì vậy các lớp bổ túc văn hoá được mở ra ở nhiều cơ quan, công xưởng, bệnh viện, trong các đơn vị vệ quốc đoàn và đã thu được nhiều kết qủa tốt đẹp.
“Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, ngành giáo dục Nam Bộ (trong đó có tỉnh Sa Đéc-Long Châu Sa), bao gồm các hệ bình dân học vụ, bổ túc văn hóa và trung học kháng chiến, đã đào tạo một đội ngũ cán bộ trẻ khá đông đảo, có phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ văn hóa tối thiểu cần thiết cho nhu cầu công tác lúc bấy giờ. Sau khi ra trường, một số đã anh dũng hy sinh trong chiến đấu, số còn lại được rèn luyện qua hai cuộc kháng chiến cứu nước và được học thêm; đại đa số đã trở thành chuyên viên hoặc cán bộ chủ chốt của nhiều tỉnh và thành phố ở Nam Bộ, có người là cán bộ lãnh đạo trong Trung ương Đảng và Chính phủ.” ([30])

 
 

 

Tác giả bài viết: Thầy Lê Kim Hoàng

Nguồn tin: Theo Hội Cựu Giáo chức TP Sa Đéc::

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây