PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO THÀNH PHỐ SA ĐÉC

https://pgdsadec.edu.vn


Cơ sở giáo dục ở Thôn Vĩnh Phước xưa, địa bàn Phường 1, TP.Sa Đéc ngày nay

Cơ sở giáo dục ở Thôn Vĩnh Phước xưa (Phường 1, TP.Sa Đéc ngày nay)
Tìm trong các sách xưa: Gia định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức, Đại Nam nhất thống chí của quốc sử quán triều Nguyễn…
Thôn Vĩnh Phước có từ trước đời Gia Long, tức trước 1802, là 1 trong 52 thôn phường thuộc tổng Vĩnh Trung, huyện Vĩnh An, trấn Vĩnh Thanh.
Năm 1832 thành lập Phủ Tân Thành cai quản 3 huyện Vĩnh An, Đông Xuyên, An Xuyên (thành lập 1839). Phủ Tân Thành có 3 huyện, 11 tổng gồm 94 xã thôn bang phố.
Huyện Vĩnh An nguyên trước là tổng, năm 1808 (Gia Long thứ 7,) nâng lên làm huyện thuộc phủ Định Viễn tỉnh Vĩnh Long. Năm 1832 (Minh Mệnh thứ 13) đưa huyện Vĩnh An thuộc phủ Tân Thành quản lý. Huyện Vĩnh An có 4 tổng gồm 36 xã thôn bang phố ([1]).
Về “lỵ sở”, tức nơi đặt trụ sở làm việc của cấp chính quyền thời đó; Đại Nam nhất thống chí ghi rõ: Lỵ sở Phủ Tân Thành có chu vi hơn 50 trượng…ở địa phận thôn Vĩnh Phước, huyện Vĩnh An. Trước đây cũng là lỵ sở huyện Vĩnh An, năm 1832 (Minh Mệnh thứ 13) cho đổi làm lỵ sở của Phủ Tân thành.
Về trường học, Trường học Phủ Tân Thành được lập từ năm 1832, cũng ở thôn Vĩnh Phước, phía đông lỵ sở của phủ.
Phủ Tân Thành chủ yếu là vùng đất Sa Đéc, nơi định cư, khai phá của người Việt khá sớm từ thế kỷ XVI-XVII, có thể lấy mốc 1757, khi dải đất Tầm Phong Long chính thức thuộc về chúa Nguyễn. Sa Đéc dưới triều Nguyễn đã nổi tiếng với các chợ Vĩnh Phước, Tân Phú Đông.
Địa bạ Minh Mạng, 1836 cho biết:
Vĩnh Phước thôn ở xứ Sa Đéc; đông giáp sông Sa Đéc, tây giáp rạch Cái Sơn và địa phận thôn Tân Qui Tây, nam giáp rạch Cái Sơn và 2 thôn Tân Phú Đông và thôn Tân Qui Tây; bắc giáp rạch Nàng Hai và địa phận thôn Tân Qui Tây.
Dưới thời Pháp thuộc, danh xưng “thôn” lần lượt đổi thành “làng”. Thôn Vĩnh Phước thành làng Vĩnh Phước.
Theo sách “Sa Đéc nhơn vật chí” của ông Nguyễn Văn Dần: “Cây cầu Sắt quay nguyên gốc là cây cầu cũ nối thêm vô cầu Jéna bên Pháp, đấu xảo năm 1887, đến năm 1888 đem bắc ngang rạch Sa Đéc”, nối liền hai làng Vĩnh Phước và Tân Qui Đông,
Tháng 7-1931, tỉnh trưởng người Pháp lúc bấy giờ là Ruciana cho chuyển làng Vĩnh Phước sáng “hộ” Vĩnh Phước thuộc xã Tân Vĩnh Hòa, châu thành Sa Đéc.
Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, chính quyền cách mạng lập lại xã Vĩnh Phước gồm 3 ấp: Vĩnh Hiệp, Vĩnh Thuận, Vĩnh Thới.
Năm 1946, do yêu cầu của cuộc kháng chiến, chính quyền cách mạng thành lập liên xã Vĩnh Phước-Tân Qui Tây.
Sau Hiệp định Giơnevơ 1954, miền Nam do chính quyền Sài Gòn quản lý. Từ tháng 10-1957, phần nam sông Tiền của tỉnh Sa Đéc sáp nhập về tỉnh Vĩnh Long. Đến 24-6-1966 có sắc lệnh tái lập tỉnh Sa Đéc, hộ Vĩnh Phước thuộc xã Tân Vĩnh Hòa, quận Sa Đéc sau đổi là quận Đức Thịnh.
Sau 30-4-1975, miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước. Xã Vĩnh Phước thuộc thị xã Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp. Theo Quyết định 62-HĐBT ngày 10-9-1981, đổi xã Vĩnh Phước thành Phường 1. thuộc thị xã Sa Đéc, nay là thành phố Sa Đéc.
Trên địa bàn thôn Vĩnh Phước xưa, Phường 1 ngày nay có 18 ngôi chùa, 2 ngôi đình. Những cơ sở tín ngưỡng tôn giáo này có bề dày lịch sử hàng trăm năm.
Khóm 1 có 4 ngôi chùa, 1 ngôi đình: Chùa Phước Thạnh (1812), chùa Quảng Phước (1856), chùa Minh Hòa (1875), chùa Bà (của người Hoa, 1886). Đình Vĩnh Phước xây cất từ 1807, được vua Minh Mạng sắc phong năm 1823 (ngày 24-9, Minh Mạng năm thứ ba). Năm 1904 đình Vĩnh Phước([2]) được trùng tu liên tục cho đến những thập niên đầu thế kỷ 20. Đình Vĩnh Phước được công nhận Di tích văn hóa lịch sử cấp tỉnh.
Khóm 2 có 3 ngôi chùa: Chùa Kim Huê (1806), chùa Hương (Phước Hưng tự, 1833), chùa Bửu Quang([3]) (1856).
Khóm 3 có 5 ngôi chùa: Chùa Long An (1930), chùa Phước Huệ (1941), chùa Bảo An (1941), chùa Từ Nguyên (1947), chùa Phước Hưng (1949).
Khóm 4 và Khóm 5 có 6 ngôi chùa, 2 Tịnh xá và 1 ngôi đình: Chùa Thanh Lương (1917), chùa Thiền Huệ (1945), chùa Thanh Thuyền (1946), chùa Bửu Vương (1947), chùa Phổ Nguyện (1964), Tịnh Độ Cư Sĩ (1929), Tịnh xá Ngọc Quang (1950), Tịnh xá Ngọc Hương (1962). Đình Tân Qui Tây, trên đường Lý Thường Kiệt, gần Cầu Đốt, xây cất từ 1929, trước thuộc làng Tân Qui Tây ([4]).
Năm 1904, người Pháp xây cất Nhà Thương (Bệnh viện) Sa Đéc, nằm ở địa bàn làng Tân Lâm, sau đổi thành làng Tân Hưng. Quản lý nhà thương này là 1 bác sĩ người Pháp tên là Piloz. Các nữ tu của Nhà Thờ Hòa Khánh tình nguyện sang nhà thương chăm sóc bệnh nhân, được quen gọi là “Bà (Dì) Sơ, Bà (Dì) Phước”.
Nhắc lại một đoạn trong “Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca” của ông Nguyễn Liên Phong, viết năm 1909:
Đuôi cồn bồi dưỡng sa nê
Bố đường thiết lập tư bề vẻ vang
Trường Nam, Trường Nữ của quan
Ơn trên dạy dỗ lớp lang khéo dùng…
+Đôi nét về Trường Nam
Ở Sa Đéc, năm 1885, người Pháp cho thành lập một trường Sơ học Pháp-Việt tại làng Vĩnh Phước, tức Trường Nam Tiểu học (nay là trường Tiểu học Kim Đồng). Quản lý trông coi trường là Đốc học ([5]) người Pháp tên La Blanch. Sau có thêm Trường Nữ, (nay là Tiểu học Trưng Vương) bà nữ đốc học Expelette trông coi cả 2 trường. Không rõ thời gian nào ông Trần Văn Kiết lên thay vừa là đốc học vừa là Chánh thanh tra…?
Từ năm 1940 đến 1948, đốc học là ông Nguyễn Văn Lãnh (Đốc Lãnh). Khoảng 1949 đến 1955, ông Nguyễn Văn Thu làm Hiệu trưởng Trường Nam. Hai lớp đệ thất (lớp 6), tiền thân Trường Trung học Sa Đéc được mở và giảng dạy tại trường này.
Các vị Hiệu trưởng Trường Nam Tiểu học Sa Đéc trước 1975 là: ông Trịnh Quang Lai (1956-1957), ông Trần Bá Mậu (1958-1968), ông Phùng Tân Dân (1969-1975).
Sau 30-4-1975, trường mang tên Trường Tiểu học Vĩnh Phước, Hiệu trưởng là ông Trần Văn Đắc.
Cuối năm 1977 đến 1979, các trường trên địa bàn được sáp nhập thành 93 lớp; trong đó 61 lớp cấp 1 (Trường Nam và Trường Nữ), 32 lớp cấp 2. Hiệu trưởng là bà Lê Ngọc Hạnh, Hiệu phó cấp 1 là bà Đặng Thị Kim Vân, Hiệu phó cấp 2 là bà Ngô Ngọc Mai.
Trường có qui mô quá lớn, việc quản lý khó khăn. Nên năm 1982 được sắp xếp lại; tách 30 lớp cấp 1 đưa về lại Trường Trưng Vương.
Còn lại 63 lớp cấp 1,2 thành Trường PTCS cấp 1,2 Vĩnh Phước 2. Hiệu trưởng:Đặng Văn Tòng, Hiệu phó C1: Lê Thị Xuân Thu. Hiệu phó C2: Đặng Ngọc Thảo.
Đến năm 1989, thực hiện chủ trương tách câp1 khỏi cấp 2, thành Trường PTCS. Cấp 1 Kim Đồng. Hiệu trưởng: Lê Thị Xuân Thu, Hiệu phó: Trương Thị Phương. Đến 1993 đổi tên thành Trường Tiểu học Kim Đồng. Từ 1999 đến tháng 12/2003; Hiệu trưởng: Đặng Thị Kim Vân, Hiệu phó: Phan Thanh Loan. Từ tháng 1-2004 đến tháng 2-2011; Hiệu trưởng: Phan Thanh Loan, Hiệu phó: Nguyễn Hữu Dũng, Nguyễn Phúc Tường. Từ tháng 3-2011 đến tháng 2-2014; Hiệu trưởng: Nguyễn Hữu Dũng, Hiệu phó: Nguyễn Phúc Tường, Phùng Phát Đạt. Từ tháng 3-2011 đến nay, Hiệu trưởng: Phùng Phát Đạt, Hiệu phó: Trần Thanh Thùy, Nguyễn Phúc Tường.
          +Mấy nét về Trường Nữ;
Những năm 1887-1888, chính quyền Pháp đương thời dự kiến thành lập một Trường Nữ sơ học. Ông Nguyễn Thành Út, một người giàu có hiến một sở đất ngay tại châu thành Sa Đéc để lập trường.
Năm 1902, ngôi trường hình thành, trường xây theo kiến trúc Pháp, nền cao, tường gạch chắc chắn, mái lợp ngói có thương hiệu Marseillaire, cuối dãy có một phòng rộng để dạy nữ công gia chánh. Trường chỉ nhận học sinh nữ, có tên tiếng Pháp “École De Jeunes Filles”.
Đầu tiên, một nữ giáo học hạng nhất người Pháp tên Espelette được bổ về làm đốc học. Tiếp theo, bà Marie Donnadieu, một giáo chức người pháp về làm hiệu trưởng. Bà là mẹ của Marguerite Duras, sau này trở thành nhà văn nổi tiếng của Pháp, với tiểu thuyết L’aman (Người tình), được giải thưởng Goncourt năm 1984.
Năm 1930, trường mang tên “L’ecole primaire de jeunes filles de Sadec” (Trường Nữ tiểu học Sa Đéc). Hiệu trưởng: Trần Văn Kiết.
Năm 1940, thay tên hiệu trường bằng chữ quốc ngữ: “NỮ HỌC ĐƯỜNG TỈNH LỴ”.
Năm 1945, ông Nguyễn Văn Lãnh làm Hiệu trưởng.
Sỉ số học sinh cả Trường Nam và Trường Nữ ngày càng đông, nên có lúc học sinh phải học nhờ ở đình Vĩnh Phước hoặc trường Dục Quang.
Đến những năm 1950, ông Trịnh Quang Lai về làm Hiệu trưởng, nhận thấy cơ sở vật chất quá thiếu, trẻ con phải đi học nhờ vất vả nên ông cùng ông Thanh tra tiểu học tại Sa Đéc là ông Nguyễn Văn Thu vận động ủng hộ xây thêm ba phòng học (nằm dọc đường Hồ Xuân Hương ngày nay). Năm 1957, trường mang tên: “Trường Nữ Tiểu học Sa Đéc”, Hiệu trưởng là bà Lê Thị Nữ. Năm 1970, bà Nữ nghỉ hưu, bà Lê Ngọc Hạnh lên thay, trường mang tên “Trường Nữ Tiểu học Cộng đồng”
Cho đến năm 1975, trường có 28 lớp, quản lý là Ban điều hành: Trưởng ban: Lê Ngọc Hạnh, Phó ban: Đoàn Thị Điểu, Đặng Thị Diêu. Trường mang tên: “Trường PT cấp 1 Trưng Vương”.
Năm 1978-1979, thực hiện chủ trương mỗi xã phường có một trường cấp 1,2. Lúc bấy giờ ghép lại thành một trường với 5 điểm. Hiệu trưởng: Lê Ngọc Hạnh, Hiệu phó: Ngô Ngọc Mai. Học kỳ 2 năm 1979, trường tách hai bộ phận cấp 1 và cấp 2; Hiệu trưởng: Nguyễn Văn Minh; Hiệu phó C1: Đặng Thị Kim Vân, C2: Nguyễn Văn Hùng.
Năm 1980-1981, trường mang tên Trường cấp 1,2 Vĩnh Phước 1. Hiệu trưởng: Đặng Thị Kim Vân, Hiệu phó C2: Trần Thị Thảo, C1: Phan Thị Nghĩa.
Năm 1982, tách cấp 1 ra khòi cấp 2, trường mang tên: Trường PTCS cấp 1 Trưng Vương. Hiệu trưởng: Phạm Thị Đẹt, Hiệu phó: Phan Thị Nghĩa. Năm 1988, trường nhận thêm 10 lớp của Trường PTCS.Câp1,2 Vĩnh Phước 3 (đường Phan Bội Châu, Khóm 4, Phường 1). Vậy là trường có 2 điểm, 40 lớp, 1936 học sinh; bổ sung thêm 1 Hiệu phó: Châu Thị Thủy Tiên.
Năm 1994, trường nhận Quyết định đổi tên thành Trường Tiểu học Trưng Vương.
Năm 1998-1999, trường nhận thêm cơ sở của trường Mẫu giáo Vĩnh Phước.Lúc này trường có 3 điểm; Hiệu trưởng: Phạm Thị Đẹt, Hiệu phó:Đặng Thị Bé, Nguyễn Thị Đương,
Năm 2000-2001, Trường Tiểu học Trưng Vương còn 2 điểm (điểm Khóm 4, phường 1 giao cho Mẫu giáo). Nhà trường bắt đầu thực hiện bán trú, học sinh học 2 buổi/ ngày. Hiệu trưởng: Phạm Thị Đẹt, Hiệu phó: Đặng Thị Bé, Trần Minh Mẫn.
Từ 2005-2009, Trường Tiểu học Trưng Vương tiếp tục thực hiện bán trú, học sinh học 2 buổi/ ngày. Hiệu Trưởng: Ngô Thúy Anh, Hiệu phó: Đặng Thị Bé, Trần Minh Mẫn. Năm 2006, bà Đặng Thị Bé nghỉ hưu, thay thế là bà Nguyễn Thị Kim Sa.
Từ 2010 đến nay, Hiệu trưởng: Lê Thị Bích Hà, Hiệu phó: Trần Thị Diệu Hiền, Trần Minh Mẫn.
Trên địa bàn Phường 1, năm 2014, có thêm một trường mới xây dựng khang trang đẹp đẽ đó là Trường Tiểu học Vĩnh Phước. Hiện trường có 8 lớp, thỏa mãn cho các học sinh giáp tuyến Phường 1 và Phường An Hòa. Hiệu trưởng: Phan Thị Ngọc Nương.
 
Hơn 100 năm qua, từ 2 ngôi trường “Nam Tiểu học”, “Nữ học đường Sa Đéc”, trải các chế độ giáo dục, dù không gian, thời gian nhiều thay đổi, song các ngôi trường vẫn giữ được nét đẹp trong tâm hồn các thế hệ học sinh và các thế hệ thầy cô giáo.
Những năm 1975, 1976, 1977, các trường trên địa bàn xã Vĩnh Phước (Phường 1), không ngừng tách nhập sao cho phù hợp với hệ thống giáo dục mới. Tên gọi thôn Vĩnh Phước xưa vẫn còn được giữ lại qua các tên trường: Tiểu học Vĩnh Phước, PTCS.C1,2 Vĩnh Phước 1, Vĩnh Phước 2, Vĩnh Phước 3. Nay còn lại tên Trường Tiểu học Vĩnh Phước, âu cũng là một cách giữ lại tên gọi của thôn Vĩnh Phước ngày xưa…
*Trường PTCS Hùng Vương
Năm 1975-1976, trường Trung học Tống Phước Hòa tách ra thành Trường Phổ thông cấp 3 Sa Đéc và Trường cấp 2 Một tháng năm (1-5). Ban Điều hành Trường 1-5 do một số giáo viên miền Bắc chi viện như ông Nguyễn Lân, ông Đào Ngọc Dung…
Năm 1977-1979, mang tên Trường PTCS cấp 1,2 Vĩnh Phước 1, Hiệu trưởng: Nguyễn Văn Minh, Hiệu phó: câp1: Đặng Thị Kim Vân, cấp 2:Nguyễn Văn Hùng.
Từ 1980-1981, Hiệu trưởng: Đặng Thị Kim Vân, Hiệu phó: Ngô Ngọc Mai, Trần Thị Thảo. Từ tháng 12-1981, Hiệu phó cấp 1: Phan Thị Nghĩa. Năm 1982, Trường PTCS cấp 1,2 Vĩnh Phước 1 tách các lớp cấp 1 đưa về trường cấp 1 Trưng Vương.
Trường PTCS cấp 2 Vĩnh Phước 1; Hiệu trưởng: Đặng Thị Kim Vân, Hiệu phó: Trần Thị Thảo, Nguyễn Đăng Khương. Từ năm 1985- 1989; Hiệu trưởng: Nguyễn Thị Hi, Hiệu phó: Trần Thị Thảo.
Cuối năm 1989, Trường PTCS cấp 2 Vĩnh Phước 1 sáp nhập vào trường THPT Sa Đéc.
Trường PTCS cấp 1,2 Vĩnh Phước 2, từ 1982-1985; Hiệu trưởng: Đặng Văn Tòng, Hiệu phó cấp 1: Lê Thị Xuân Thu, cấp 2: Đặng Ngọc Thảo. Cuối năm 1985 đến đầu năm 1986; Hiệu trưởng: Lưu Vĩnh Phúc.Từ tháng 2-1986 đến tháng 9-1989; Hiệu trưởng: Lâm Văn Vững.
Từ tháng 10-1989, Trường PTCS cấp 1,2 Vĩnh Phước 2 tách cấp 1 đưa về Trường cấp 1 Kim Đồng. Còn lại Trường PTCS cấp 2 Vĩnh Phước 2, từ tháng 1-1990 đến tháng 4-1992; Hiệu trưởng: Nguyễn Đăng Khương, Hiệu phó: Nguyễn Hữu Thanh
Tháng 4, 5 năm 1992, có Quyết định đổi tên Trường PTCS cấp2 Vĩnh Phước 2 thành Trường PTCS Hùng Vương. Buổi đầu, cơ sở vật chất nằm cạnh Trường Tiểu học Kim Đồng, hướng ra đường Hùng Vương. Từ tháng 6-1992, Trường PTCS Hùng Vương dời về vị trí của Trường Bồ Đề cũ, đường Trần Phú (sau chùa Kim Huê).
Từ tháng 10-2002- 2004; Hiệu trưởng: Nguyễn Thiên Tân, Hiệu phó: Nguyễn Thị Như Mai. Từ đây đến 2009, trường có các Hiệu phó: Cao Kim Hồng, Võ Thị Công,
Từ năm 2009- 9/2010; Hiệu trưởng: Nguyễn Trần Nguyệt Thu; Hiệu phó: Võ Thị Công.
Từ tháng 10-2010 -2016; Hiệu trưởng:Nguyễn Trần Nguyệt Thu, Hiệu phó: Nguyễn Thị Kim Ngọc, Thái Hồ Tuấn Kiệt.
Năm 2016, Trường THPT chuyên Nguyễn Đình Chiểu di đời về cơ sở mới, Trường PTCS Hùng Vương trở về tiếp nhận cơ sở cũ, cổng chính trường hướng ra đường Hùng Vương.
*Trường PTCS cấp 1,2 Vĩnh Phước 3
Trước năm 1982, xã Tân Quy Tây chưa có trường cấp 2. Học sinh học hết câp1 (tiểu học), học tiếp cấp 2 thì phải chọn một trong hai trường: PTCS cấp 1,2 Vĩnh Phước 1 hoặc Vĩnh Phước 2.
Năm 1982, tại Trường PTTH cấp 3 Sa Đéc (Cấp 3 Đồng Tháp), dành một dãy cho học sinh cấp 1,2 xã Tân Qui Tây. Khi có chủ trương mỗi xã phường phải có một trường cấp 1,2, đây là cơ sở để hình thành Trường PTCS cấp 1,2 Vĩnh Phước 3. Hiệu trưởng: Trần Thị Liên, Hiệu phó: Nguyễn Hữu Công, Châu Thị Thủy Tiên, Trần Văn Đởm. Đến tháng 8-1989 số lớp cấp 1 của trường nầy được tách ra đưa về Trường Tiểu học Trưng Vương. Còn số lớp cấp 2 cũng được tháp nhập vào Trường PTTH cấp 3 Sa Đéc.
Đến cuối năm 1989, tên các Trường Vĩnh Phức 1,2,3 không còn nữa.
+Trường Trung học Phổ thông Thành phố Sa Đéc
Trước 1955, tại Sa Đéc chưa có trường Trung học. Học sinh muốn học lên bậc trung học phải xuống Vĩnh Long, sang Mỹ Tho, Cần Thơ hoặc lên tận Sài Gòn; gia đình nghèo không thể cho con em mình tiếp tục việc học. Theo nguyện vọng của một số nhân sĩ địa phương, muốn có một trường Trung học tại Sa Đéc.
Bộ Giáo dục của chính quyền Sài Gòn qua công văn số 10-327 GD/HV, ngày 12-10-1955 cho phép tỉnh Sa Đéc tổ chức kỳ thi tuyển  học sinh vào lớp Đệ thất (lớp 6 ngày nay). Kỳ thi tuyển học sinh vào lớp Đệ thất ở Sa Đéc được tổ chức vào ngày 28 tháng 10 năm 1955.
Ngày 18 tháng 11 năm 1955, học sinh 2 lớp Đệ thất đầu tiên được nhập học năm học 1955-1956. Đây có thể xem là ngày thành lập Trường Trung học Sa Đéc.
Chưa có cơ sở riêng, hai năm học 1955-1956 và 1956-1957 học sinh phải học tạm tại Trường Nam Tiểu học. Hiệu trưởng:ông Nguyễn Văn Thu, năm sau là ông Trịnh Quang Lai.
Năm học 1957-1958, Trường Trung học Sa Đéc hình thành với cơ sở vật chất là dãy phòng kiên cố, trên khuông viên đất ruộng, nằm cuối đường Lê Văn Duyệt (nay là đường Trần Phú).
Hơn 60 năm, Trường đổi tên nhiều lần, 22 vị Hiệu trường, có những mốc thời gian gắn với những bước thăng trầm của thời cuộc…Đến năm 1973-1974, trường mang tên Trung học Tống Phước Hòa.
Lấy mốc năm 1975. Năm học 1975-1976, năm học đầu tiên sau giải phóng. Cùng cơ sở vật chất có hai trường; Trường cấp 3 Sa Đéc và Trường cấp 2 một tháng năm (1-5). Những năm sau đổi thành: Trường Phổ thông cấp 3 Đồng Tháp, rồi Trường THPT Đồng Tháp.
Năm học 1989-1990, Trường THPT Đồng Tháp bao gồm luôn các trường PTCS Vĩnh Phước 1,2,3, số lượng học sinh rất đông.
Năm học 1995-1996, trường có tên: Trung học chuyên ban thị xã Sa Đéc. Đến năm 2000-2001, tách thành hai trường: Trường THPT thị xã Sa Đéc và Trường THCS Lưu Văn Lang.
Trường THPT thị xã Sa Đéc nay là Trường THPT thành phố Sa Đéc. Do nhu cầu xã hội hóa giáo dục, mô hình trường dân lập ra đời. Trường THPT dân lập Đồ Chiểu hình thành. Hiệu trưởng: Nguyễn Triều Điền, Hiệu phó: Nguyễn Thị Thanh Thùy. Ban đầu cơ sở vật chất của trường này là 3 phòng của Sở GD-ĐT Đồng Tháp (khuôn viên trường Nam Tiểu học). Năm học 1991-1992, trường chuyển về sử dụng cơ sở vật chất của Trường Bồ Đề cũ.với tên Trường THPT bán công Đồ Chiểu. Sau 2 năm học, trường chuyển về cơ sở vật chất sau Trường Tiểu học Kim Đồng (nay là Trường THCS Hùng Vương).
Năm 2006-2007, theo Luật giáo dục, không còn hệ bán công mà phải chuyển sang loại hình trường tư thục. Trường mang tên “Trường THPT tư thục Đồ Chiểu”.
Năm 2008-2009, cấp học THPT có nhiều thay đổi. Trường THPT tư thục Đồ Chiểu giải thể, cùng lúc 2 trường THPT mới được thành lập:
-Trường THPT Nguyễn Du xây dựng trên địa bàn Phường An Hòa.
-Trường THPT Chuyên Nguyễn Đình Chiểu tiếp nhận cơ sở vật chất của Trường THPT tư thục Đồ Chiểu.
Năm 2016, Trường THPT Chuyên Nguyễn Đình Chiểu di dời về cơ sở mới trên địa bàn xã Tân Phú Đông, thành phố Sa Đéc. Ngôi trường mới có khuôn viên rất rộng, các hạng mục của một trường chuẩn quốc gia được xây dựng đầy đủ, khang trang, hoành tráng…Hiệu trưởng trường này trước đây là ông Phạm Văn Phúc, nay là ông Nguyễn Đăng Khánh.
+Nói thêm về Ngành học mầm non ở đia bàn Phường 1.
Năm 1978-1979, đã có Trường Mẫu giáo Vĩnh Phước, Chủ nhiệm là bà Lý Kim Khánh. Năm 1983 có Nhà trẻ Sen Hồng, Chủ nhiệm là bà Lâm Thị Huê, Năm 1989 có Nhà trẻ Sa Đéc, Chủ nhiệm là bà Trần Kim Thủy. Năm 1998, Mẫu giáo Vĩnh Phước giải thể, giao cơ sở vật chất cho Trường Tiểu học Trưng Vương, sáp nhập một số lớp về Nhà trẻ Sen Hồng, thành Trường Mầm non Sen Hồng, một số lớp về với Nhà trẻ Thị xã.Năm 2001, trường Mầm non Sen Hồng đổi thành “Mầm non bán công Sen Hồng”. Từ 2010 đến nay là “Trường Mầm non Sen Hồng”.Đây là một trường đủ chuẩn quốc gia.
Riêng Nhà trẻ Thị xã, đến ngày 21-11-2011di dời về điểm mới xây dựng khang trang trên mặt bằng của trụ sở UBND Phường 1 cũ. Được mang tên Trường Mầm non Ánh Dương.
Nhìn chung ngành học mầm non trên địa bàn Phường 1 rất phát triển. Năm 2004, Trường Mầm non tư thục Tương Lai được thành lập. các khóm đều có nhóm trẻ, nhà trẻ tư nhân như: Họa Mi, Sơn Ca, Khánh Ngọc, Hoa Hồng, Sao Mai…đáp ứng nhu cầu cho một xã hội phát triển.
 
Tóm lại, cơ sở văn hóa giáo dục trên địa bàn thôn Vĩnh Phước xưa và Phường 1 thành phố Sa Đéc ngày nay một phần đã chứng tỏ nền tảng của truyền thống hơn ba trăm năm của “Đất học Sa Đéc”.
          Trên đây là những ghi chép ban đầu, chắc chắn còn nhiều sai sót, rất mong được sự đóng góp của quí vị am hiểu. Chân thành cảm ơn quý thầy cô đã đóng góp tư liệu cho bài viết nầy!
 

 

Tác giả bài viết: Bà Phạm Thị Đẹt

Nguồn tin: Theo Hội Cựu Giáo chức TP Sa Đéc:

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây