ĐÔI NÉT VỀ CƠ SỞ VĂN HÓA- GIÁO DỤC THÔN VĨNH PHƯỚC VÀ THÔN TÂN QUI ĐÔNG

Chủ nhật - 05/11/2017 22:07
Cơ sở giáo dục tại Thôn Vĩnh Phước và Thôn Tân qui Đông ngày xưa
Thời vua Gia Long (1802-1820), thôn Tân Qui Đông là một trong những thôn xinh đẹp nhất của Gia Định thành, có cù lao Phụng Nga nằm ở phía bắc sông Sa Đéc rất thơ mông.Tiên phố ở Tân Qui Đông nước, trong cát trắng, gió mát, sóng lặng. Thuở ấy Tân Qui Đông có vị trị giao lưu thuận lợi, phong cảnh hữu tình, vừa nửa thôn quê mà cũng là thành thị. Đầu thế kỷ XX, ông Nguyễn Liên Phong viết Nam Kỳ Phong Tục Nhơn Vật Diễn Ca, phần tỉnh Sa Đéc, được ông giới thiệu:
“Sa Đéc phong cảnh thi”
Có danh đời cựu phủ Tân Thành
Sa Đéc vui nay cảnh thích tình.
Đèn Vĩnh Phước ngời hình nguyệt chói,
Cồn Tân Quy nổi dạng cù doanh.
Nhà dân phố chợ nhiều nơi lịch,
Chùa Phật đình thần lắm chỗ xinh.
Vườn ruộng ấm no phong tục tốt….”
          Theo địa bạ Minh Mạng 1836, thôn Tân Qui Đông nằm về hướng đông của huyện Vĩnh An, đông giáp sông Tiền, tây giáp sông Sa Đéc, nam giáp sông Sa Đéc, bắc giáp thôn Tân Qui đông. Đình làng Tân Qui Đông được xây cất khá sớm, sắc thần của đình được vua Tự Đức phong cấp năm 1852 (Tự Đức ngũ niên).
Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, đặt ách thống trị 6 tỉnh Nam kỳ (xưa gọi Nam Kỳ lục tỉnh), Sa Đéc là nơi thực dân Pháp tiến hành khai thác rất sớm, đuôi cồn Tân Qui Đông ở phía đông nam nơi đạt Tòa bố, dinh chủ tỉnh và khu vực người Âu.
          Năm 1903, tại mũi Cân Dố (Passe Nord) đã có bến tàu lục tỉnh. Hãng tàu của người Pháp và người Hoa đi từ Sài Gòn đến Nam Vang (Phnôm-phênh) ghé lại Sa Đéc để lấy thêm khách và hàng hóa.
Đến năm 1914, các lộ làng Tân Qui Đông được trải đá, các loại xe cộ đi lại dễ dàng, một “đại lộ” nối từ tòa bố đến bến tàu qua Chợ Cồn, đó là đường Passe Nord dài hơn 4 cây sồ, về sau con đường này mang tên Lê Quang Hiền, đến nay con đường chỉ còn dài trăm mét, có tên là đường Bà Triệu. Con đường giữa mang tên Gia Long, từ cầu sắt quay nối dài tới làng Tân Đông ngang qua Passe Nord, đường này rất mát, hai bên đường trồng me và cây sấu, xa xa có những cây sao to lớn, đến mùa me chín khách bộ hành có thể thưởng thức vị chua ngọt của quả me, quả sấu cuối mùa, con đường giờ nầy chỉ còn một đoạn chừng 1 cây số, mang tên đường Hai Bà trưng. Cặp bờ sông Sa Đéc là đường Lê Lợi.
          Vào năm 1888, từ bên Pháp chiếc cầu Sắt quay được chở sang bắc qua sông Sa Đéc, nối hai làng Vĩnh Phước sang làng Tân Qui Đông. Chiếc cầu sắt quay có dáng vóc rất đẹp, đoạn giữa cầu được quay ngang cho tàu lớn qua lại, do đó dân mình đặt tên là Cầu sắt quay, hai bên cầu có lề để khách bộ hành đi lại, lòng giữa cầu là để xe chạy.
          Tân qui Đông ba bề sông nước, từ xưa được xem là đất Long Phụng, các sông rạch nối từ sông Tiền và sông Sa Đéc, hai bên rạch ruộng vườn xanh tốt như rạch Thông Lưu chảy từ Chợ Cồn vô Ngã Ba, nối rạch Dầu rồi đổ ra sông Sa Đéc. Sách xưa gọi Rạch Dầu là Du Câu, phía trên Rạch Dầu có rạch Sa Nhiên (Sanh Nhiên), phía dưới rạch Thông Lưu có con rạch nhỏ gọi là rạch Nhiêu Xướng. Thuở ấy làng Tân Qui Đông được mệnh danh là khu vực của người Âu vì nơi đấy có tòa bố boongalo, dinh ông Chánh, bưu điện, ty điền địa, ngân khố, vv…Dọc theo đường Passe Nord có Trường tư thục Montaigne chuyên dạy tiếng Pháp phục vụ cho con người Pháp và con của những người giàu có, địa chủ theo dân Tây thời đó.
          Vào tháng 12-1932 nhà cầm quyền thực dân Pháp hợp nhất các làng (Tân Qui Đông, Tân Qui Tây, Tân Phú Đông, Vĩnh Phước, Hòa Khánh) lấy tên chung là làng Tân Vĩnh Hòa ; Tân Qui Đông và các làng cũ được gọi là “hộ”.
Từ 1957 phần phía nam sông Tiền của tỉnh Sa Đéc sáp về tỉnh Vĩnh Long, đên năm 1966 tái lập tỉnh Sa Đéc, Tân Qui Đông thuộc xã Tân Vĩnh Hòa, quận Đức Thịnh.
          Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng 30-4-1975 xã Tân Qui Đông thuộc thị xã Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp.
          Ngày 10-9-1981, phân chia địa giới hành chánh, Hội đồng Bộ trưởng ra quyết định số 62-HĐBT, theo đó tách ấp Tân Long của xã Tân Qui Đông thành Phường 3, lấy rạch Thông Lưu làm địa giới. Mãi đến tháng 11-2004 theo nghị định số 194/NĐCP đổi xã Tân Qui Đông thành phường Tân Qui Đông và lễ công bố từ ngày 18-2-2005.
          Qua những sự kiện trên, Phường 3 và Phường Tân Qui Đông gắn liền như máu thịt.
          Thôn Tân Qui Đông từ ngàn xưa là vùng đất sông sâu nước chảy, cây trái sai oằn, hằng năm ruộng vườn được phù sa của dòng sông Tiền, bồi đắp. Đây là nhánh sông chính yếu của sông Cửu Long từ xa xôi đổ về qua vùng Sa Đéc, có làng Tân Qui Đông. Dòng sông nước chảy uốn quanh, tạo nhiều cồn bãi, cù lao do phù sa bồi đắp. Tuy nhiên, cuộc biển dâu huyền thoại, cứ diễn ra suốt ngày đêm, bên lở, bên bồi, bên doi, bên vịnh, lòng sông có chỗ sâu hẳm, có chỗ phù sa mới nổi lên như Chợ Cồn, vùng Tân Qui Đông cách đây hơn một thế kỷ, xóm làng sung túc, phút chốc bị sụp lở, cuốn trôi theo dòng nước lũ kéo về, mỗi năm mất hàng mẫu đất.
Nơi đây từ xưa đã có chợ, bến tàu, trường học như Trường Chợ Cồn, một ngôi trường đơn sơ, mái lợp lá,vách ván, có 3 phòng dành cho 3 lớp: lớp đồng ấu do thầy giáo Bốn giảng dạy, lớp tư do thầy giáo Nham giảng dạy và lớp ba do thầy giáo Chắt giảng dạy vừa làm cai trường, học trò thời đó đi học rất ít, đa số học để biết chữ, biết đọc,viết, và làm ba phép toán cộng trừ nhân chia là được. Một quan niệm hẹp hòi là nữ ít được cho đi học, phải lo nội trợ, đồng áng, bên cạnh cuộc sống nghèo đói của dân chúng diễn ra với sưu cao, thuế nặng,.
Những thập niên đầu thế kỷ 20, đất lở, đường đi khúc khuỷu, quanh co, Chợ Cồn không còn tồn tại, ngôi trường phải dời về nhà ông Chín Hí (ông Chín Hí là một người Tàu giàu có, lớn tuổi theo con gái về Nam Vang). Ông để lại ngôi nhà khá lớn, nền lát gạch tàu, vách ngăn bằng ván, chia làm 3 phòng học; lớp năm (lớp 1 bây giờ) do thầy Trang Sĩ Dực giảng dạy, lớp tư do thầy Nguyễn Văn Tư (biệt danh thầy Kẹo) giảng dạy, lớp 3 do thầy Dương Văn Thà (thầy giáo Thà), thầy Thà vừa dạy vừa làm cai trường. Một vài năm sau đất lở tới, trường Chợ Cồn dời về nhà ông Năm Bông để giảng dạy, lớp năm do thầy Nhựt, lớp tư do thầy Bùi Văn Tư, lớp ba do thầy Thà phụ trách.
          Dọc theo đường Passe Nord, cách trường tư thục Montaigne khoảng 100 mét, ngang trại gia binh Pháp, xây dựng một ngôi trường gồm 3 phòng học rất khang trang, kiên cố, nền lát gạch tàu, mái ngói âm dương, xung quanh có rào giậu, Trường mang tên là Truờng sơ cấp Tân Qui Đông. Trường này có cai trường là thầy Khúc Văn Trực dạy lớp ba, lớp tư do thầy Nguyễn Văn Cừu, lớp năm do cô Huỳnh Thị Vui phụ trách. Đầu năm 1950 đến năm 1968, trưởng giáo trường này là cô Quan Thị Hảo, giáo viên giảng dạy: cô Trần Thị Đặng, thầy Nguyễn Văn Cừu, trong những năm này học sinh khá đông nên có thêm Trường Bảo An (Phi long) cơ sở vật chất nằm dưới dốc cầu sắt quay (ngang công viên Phan Văn Út ngày nay) trường được xây bán kiên cố, mái lợp tôn, cổng trường ngó ra đại lộ Gia Long (Hai Bà Trưng), nền lát gạch tàu, trưởng giáo cô Hồ Thị Việt.
          Vào năm 1950, ngôi trường Chợ Cồn không còn tồn tại, học sinh lúc bấy giờ khá đông, dân vùng Chợ Cồn, Xóm Bún đa số di dời nhà cửa về xóm Đường Ngang, vì đất lở hàng năm. Học sinh thời ấy học hết lớp 3 phải thi đậu bằng sơ học, mới tiếp tục học lớp nhì một năm, lớp nhì 2 năm và lớp nhất, thi lấy bằng tiểu học.
Đầu những năm 1950, Trường Đông Qui ra đời, tọa lạc tại xóm Cao Đài, nơi đây là xóm đạo, đông dân cư (ngày xưa gần nhà máy Nam Hòa tức xí nghiệp in bao bì nay) trường nhìn ra bờ sông Sa Đéc, gồm một cụm nhà có 3 khu, khu nhà chính có 3 gian, nền cao được lát gạch tàu, các gian nhà được ngăn nhiều phòng học, hiệu trưởng là ông Nguyễn Ngọc Cư (Nguyễn Văn Cư) giáo viên gồm nhiều thầy cô có kinh nghiệm như cô Mai Thị Hai, thầy Huỳnh Văn Học, thầy Trần Trường Xuân, cô Nguyễn Hiếu Để, thầy Nguyễn Văn Truyện, cô Trần Thị Hường.
          Năm 1958, Trường tiểu học Đông Qui được di dời về trên một mảnh đất ruộng cách Đường Ngang khoảng 200m, cổng trưởng ngó ra đường lộ giữa tức là đại lộ Gia Long, đầu tiên trường được xây dựng gồm một dãy 6 phòng học nằm dọc song song mặt đường, phòng rộng rãi rất đẹp, thoáng mát, mái lợp tole, nền lát gạch tàu, xung quanh đóng mắt cáo bằng gỗ, hiệu trưởng là ông Nguyễn Ngọc Cư. Đến năm 1959 ông Cư về hưu, ông Nguyễn Văn Thành lên thay, thầy luôn chăm lo cho trường sở. Vào cuối năm 1960 ngội trường có thêm nhiều phòng, thành hình chữ U với các lớp: lớp năm, lớp tư, lớp ba, lớp nhì và lớp nhất. Năm 1961, trường mở thêm một lớp tiếp liên (lớp tiếp liên thu những học sinh thi rớt lớp đệ thất tiếp tục học để thi lại vào năm sau).
          Ngày 30-6-1973 ông Nguyễn Văn Thành về hưu, trường đổi tên Trường tiểu học cộng đồng Đông Qui, lúc bấy giờ hiệu trưởng là thầy Đỗ Thanh Mẫn.
          Mãi đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng 30-4-1975 trường lại mang tên trường C1,C2 Tân Qui Đông thuộc xã Tân Qui Đông, thị xã Sa Đéc, tỉnh đồng Tháp. Trưởng ban điều hành cấp 2, ông Đào Ngọc Dung, Trưởng ban điều hành C1, ông Võ Thành Nghiệp
          Từ tháng 11-1977 đến tháng 12-1979, Ban giám hiệu trường cấp 1, cấp 2 Đông Qui, xã Tân Qui Đông, thị xã Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp:Hiệu trưởng: Ông Nguyễn Ngọc Điệp, Phó hiệu trưởng C1: Bà Lâm Thị Huê, Phó hiệu trưởng C2: Bà Ngô Ngọc Mai. Phó hiệu trưởng lao động: Ông Nguyễn Văn Đời.
          Vào tháng 1-1980 đến 1-1981, trường mang tên: Trường phổ thông cơ sở Đông Qui, xã Tân Qui Đông, thị xã Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp. Hiệu trưởng: Bà Lâm Thị Huê, Phó hiệu trưởng C1: Ông Trần Chiêu Lái, Phó hiệu trưởng C2: Bà Ngô Ngọc Mai. Phó hiệu trưởng lao đông: Ông Nguyễn Văn Đời.
          Đến tháng 2-1982 trường PTCS Đông Qui thuộc Phường 3, thị xã Sa Đéc. tỉnh Đồng Tháp. Hiệu trưởng: Bà Lâm Thị Huê, Phó Hiệu trưởng C1:Bà Ngô Thị Kim Chiêu, Phó Hiệu trưởng C2: Bà Ngô Ngọc Mai, Phó hiệu trưởng lao động: Nguyễn Văn Đời .
          Vào tháng 12-1983 trường mang tên trường PTTH cấp 2 Đông Qui thuộc Phường 3, thị xã Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp. Hiệu trưởng: Ông Lý Bá Bình, Phó Hiệu trưởng: Ông Đỗ Quang Tường.
          Từ năm 1986-1989, trường mang tên trường PTCS Đông Qui. Hiệu trưởng: Ông Lý Bá Bình, Phó Hiệu trưởng: Bà Nguyễn Thị Huệ.
          Đầu năm 1990 đến 8-1996, trường PTCS Đông Qui thuộc phường 3. thị xã Sa Đéc. Hiệu trưởng: ông Lý Bá Bình, Phó Hiệu trưởng ông Cao Ngọc Thơ.
          Tháng 8 năm 1996, trường PTCS Đông Qui giải thể, do con đường đi lại đến trường bị sạt lở nặng. Học sinh của trường được chuyển về các trường cấp 2 lân cận.
          Trên địa bàn Phường 3 còn có Trường Cấp 1 Tân Long, thành lập tháng 1-1983. Điểm 1 đặt ở trường Bảo an cũ (đường Hai Bà Trưng, ngang tượng đài Phan Văn Út ngày nay). Điểm 2 đặt ở trường Sơ cấp Tân Qui Đông, đường Lê Quang Hiền. Thầy Trần Chiêu Lái làm Hiệu Trưởng, thầy Huỳnh Kim Các làm Hiệu phó. Quyết định số 55/QĐ-UBTX, ngày 12-6-1984 của UBND TX. Sa Đéc để trường chính thức có tên Trường cấp 1 Tân Long.
          Tháng 12-1990, trường cấp 1,2 Đông Qui bị sạt lở, học sinh cấp 1 trường này được đưa về học tại trường Cấp 1 Tân Long.
          Quyết định số 141/QĐTL ngày 20-10-1992 của UBND TX. Sa Đéc cho thành lập Trường Tiểu học Tân Long, trường có 3 điểm:
          -Điểm 1: các lớp học ở dãy nhà của Tòa soạn báo Đồng Tháp, cạnh Nhà Thờ Tân Qui, đường Lê Lợi.
          -Điểm 2: các lớp học ở đường Hai Bà Trưng.
          -Điểm 3: các lớp ở trường sơ cấp Tân Qui Đông cũ, đường Lê Quang Hiền. Hiệu trưởng: Thầy Trần Chiêu Lái, Hiệu phó: Cô Ngô Thị Kim Chiêu ([1]).
          Trường Tiểu học Tân Long mới được xây dựng kiên cố, khang trang, tọa lạc tại Khóm 2, Phường 3. Ngày 3-2-2009 khánh thành và chính thức đưa vào sử dụng.
          +Những điểm trường trên địa bàn Tân Qui Đông;
          Sau Hiệp định Giơnevơ, 1954, hòa bình lập lại, miền Nam do chính quyền Sài Gòn quản lý. Phần phía nam sông Tiền của tỉnh Sa Đéc (các quận Sa Đéc, Lai Vung, Lấp Vò, Châu Thành) sáp nhập về tỉnh Vĩnh Long. Những năm 1955, 1956, Tân Qui Đông trở thành một “hộ” của xã Tân Vĩnh Hòa.
Đất lở khu vực Chợ Cồn, bà con di dời về khu vực ấp Tân Mỹ, rạch Sa Nhiên ngày càng nhiều. Để có nơi cho con em mình đi học, bà con trong xóm vận động nhau dựng một mái lá tại vàm cầu Sa Nhiên để làm lớp học. Cô giáo Trần Thị Đệ dạy lớp học này đầu tiên. Năm học kế tiếp, thầy Trần Tấn Đắt được bổ về. Ông Võ Văn Kỷ (chủ chùa Long Phước Tự) hiến khu đất cạnh chùa, thầy Trần Tấn Đắc vận động bà con kẻ góp công người góp của dựng thành ba lớp học của Trường sơ cấp Tân Qui Đông, điểm Sa Nhiên. Trường mái lợp lá, vách ván, phía trên đóng mặt cáo bằng tre, mặt bàn học sinh là ván gòn, xoài, mít…chân bàn là những khúc cây tạp chôn xuống đất. Học sinh ngày một đông dần, đủ cả ba lớp. Dạy lớp năm (lớp 1) là cô Nguyễn Thị Kim Sinh; lớp tư (lớp 2) là thầy Trần Tấn Đắt; lớp ba là thầy Dương Văn Hanh.
Tỉnh Sa Đéc chính thức được tái lập vào ngày 22-6-1966. Học sinh Tân Qui Đông khá đông. Năm 1968, trường Tiểu học Tân Qui Đông chính thức được hình thành, với một “liên trường” gồm nhiều điểm trường ở các ấp. Hiệu trưởng quản lý chung là ông Nguyễn Văn Thành.
-Điểm Tân Mỹ, Trưởng giáo: Trần Tấn Đắt (1968-1971), kế tiếp: Trương Văn Chính, Huỳnh Thị Vui.
-Điểm Sa Nhiên, Trưởng giáo: Lý Kim Hạnh.
-Điểm Tân Hòa, Trưởng giáo: Võ Túy Hoa.
-Điểm Tân Long, Trưởng giáo: Quan Thị Hảo, Hồ Thị Việt…
Sau 30-4-1975 đến tháng 10-1977. Bộ máy lãnh đạo liên trường Tân Qui Đông gọi chung là “Ban diều hành” ; Trưởng Ban điều hành là bà Lâm Thị Huê; các Phó Ban lần lượt là: bà Nguyễn Thị Nâu, Trâu Kim Hiền, Châu Thị Thủy Tiên.
Từ tháng 11-1977 đến 1-1980; Ban Giám hiệu nhà trường được Phòng Giáo dục phân công: Hiệu trưởng là ông Võ Thành Nghiệp, Hiệu phó là ông Trần Chiêu Lái và bà Châu Thị Thủy Tiên.
Tháng 2-1980 đến 8-1982; Hiệu trưởng là ông Võ Thành Nghiệp, Hiệu phó là bà Châu Thị Thủy Tiên.
Đến tháng 1-1983, Trường cấp 1 Tân Long được thành lập, trên cơ sở đó, cơ sở vật chất điểm trường, Ban giám hiệu của trường Tiểu học Tân Qui Đông được điều chỉnh; trường của 3 điểm Tân Mỹ, Sa Nhiên, Tân Huề do ông Võ Thành Nghiệp làm Hiệu Trưởng, bà Phạm Thị Đẹt làm Hiệu Phó. Từ 12-1983 đến 8- 1988, ông Nguyễn Thanh Nhàn làm Hiệu phó.
Do sự điều chỉnh địa giới hành chính của trên, tách ấp Tân Huề của xã Tân Qui Đông đưa về cho xã Tân Dương (huyện Lai Vung). Trường cấp 1 Tân Huề lúc nàyHiệu trường: Phạm Bá Phúc, Hiệu phó: Lại Thị Lộc, Ngô Thị Hồng.
Tháng 9-1990, Trường cấp 1 Tân Huề sáp nhập về Trường Tiểu học Tân Qui Đông; Hiệu trưởng: Võ Thành Nghiệp, Hiệu phó: Nguyễn Thanh Nhàn, Lại Thị Lộc. Tháng 9-1992 cô Lai Thị Lộc trở về dạy lớp. Từ 9-1998 dến 9-2000, bà Nguyễn Thị Trâm làm Hiệu phó thay ông Nguyễn Thanh Nhàn nghỉ hưu.
Tháng 10-2000 đến tháng 8-2006, trường Tiểu học Tân Qui Đông thuộc xã Tân Qui Đông, thị xã Sa Đéc; Hiệu trưởng:ông Võ Thành Nghiệp, Hiệu phó:ông Phạm Bá Phúc.
Từ tháng 9-2006 đến nay, trường Tiểu học Tân Qui Đông thuộc Phường Tân Qui Đông, thị xã Sa Đéc nay là thành phố Sa Đéc; Hiệu trưởng: ông Huỳnh Ngọc Trai (thay ông Võ Thành Nghiệp nghỉ hưu), Hiệu phó:ông Phạm Bá Phúc.
Theo dòng thời gian, nay nhìn lại; Trường Tiểu học Tân Qui Đông sau bao lần tách nhập, đến nay cơ sở vật chất nhà trường ngày một khang trang, phòng chức năng, trang thiết bị dạy học đầy đủ. Đội ngũ giáo viên nâng dần đạt chuẩn, vững vàng về chuyên môn, chất lượng dạy và học ngày một tốt hơn…
Về giáo dục Mầm non, Mẫu giáo ở địa bàn Tân Qui Đông, Phường 3, thị xã Sa Đéc, nay là thành phố Sa Đéc có nhiều nét tiêu biểu. Có thể xem là nơi mở đầu của Nhà trẻ mang tên Nhà trẻ 8/3, với sự quan tâm đặc biệt của bà Trần Thị Nhượng (cô giáo Ngài)…Xin được trình bày ở một dịp khác…
 

[1] Tháng 6-1996, thầy Chiêu Lái về hưu, trường còn 2 điểm, điểm trường sơ cấp TQĐ. Bị sạt lở, đường Lê Quang Hiền chỉ còn một đoạn. Tháng 9-199 đến 8-2001; HT: cô Ngô Thị Kim Chiêu, HP cô Phạm Mỹ Hằng. Tháng 9-2001 đến tháng 10-2004, cô Chiêu nghỉ hưu, bà Lâm Thị Huê thay làm Hiệu trưởng. Tháng 10-2004, bà Huê nghỉ Hưu. Từ 1-2005 đến 5-2007; HP: Phạm Mỹ Hằng, Từ 8-2007… HT: Huỳnh Thanh Tâm,HP: Lê Hồng Phương Hiếu….

Tác giả bài viết: Bà Phạm Thị Đẹt

Nguồn tin: Theo Hội CG TP Sa Đéc

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê
  • Đang truy cập2
  • Hôm nay1,696
  • Tháng hiện tại36,311
  • Tổng lượt truy cập7,767,302
TIN GIÁO DỤC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây